Hôm qua (5-9), 22,5 triệu học sinh, sinh viên cả nước bước vào năm học mới với niềm tin mới, khí thế mới và kèm theo đó cũng có thêm nỗi lo mới. Có em lo vì năm học mới này không biết bản thân có đạt được kết quả, thành tích như mong muốn của gia đình hay không. Có em lo vì mỗi năm học khối lượng kiến thức sẽ tăng lên, trong khi nội dung chương trình chưa được giảm tải nên việc học hành sẽ vất vả hơn. Có em lại lo vì hoàn cảnh gia đình túng thiếu không biết có vượt qua được những ngày gian khó để tiếp tục bám trường, bám lớp hay không. Có em lo vì những thay đổi về việc thi, kiểm tra, đánh giá kết quả, tuyển sinh đại học nên có thể chưa theo kịp sự chuyển biến mau lẹ của tình hình… Đó là những nỗi lo chính đáng của phần lớn học sinh, sinh viên mà các nhà trường nói chung, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng, cần phải thấu hiểu, chia sẻ để chung tay góp sức giúp các em bớt đi nỗi lo này.
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn
Trong buổi họp báo tổ chức vào ngày 4-9 tại Hà Nội nhằm thông tin về năm học mới 2016-2017, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định, luôn lắng nghe ý kiến từ dư luận xã hội, hết sức cầu thị tiếp thu góp ý của báo chí, của xã hội để điều chỉnh kịp thời các quyết định trong quản lý nhà nước và điều hành các hoạt động giáo dục ở cơ sở phù hợp với thực tiễn, tránh gây xáo trộn tâm lý, dao động tư tưởng cho học sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo.
Mong muốn chủ quan bao giờ cũng tốt đẹp, nhưng không phải bao giờ cũng trở thành hiện thực nếu như những người trong cuộc không thực sự nỗ lực hết mình vì sự tiến bộ của ngành và mang lại niềm tin cho xã hội. Tuy vậy, những động thái tích cực gần đây của ngành giáo dục như: Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện việc tổ chức, đánh giá Kỳ thi THPT quốc gia để tránh gây căng thẳng, tốn kém; chủ động sửa đổi những bất hợp lý trong Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học; bảo đảm tự chủ cho trường đại học… đã phần nào thể hiện cam kết chính trị của ngành đối với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng khóa XI.
Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn đặt niềm tin, kỳ vọng lớn lao vào ngành giáo dục và các thầy cô giáo. Bằng chứng là, mỗi khi bước vào năm học mới, Chủ tịch nước đã gửi thư chúc mừng, động viên ngành giáo dục; còn ngày khai giảng hằng năm cũng là “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Sự quan tâm, kỳ vọng đó, một mặt đòi hỏi các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo phải ý thức sâu sắc hơn nữa bổn phận cao cả, trách nhiệm thiêng liêng của mình trong sự nghiệp “trồng người”; mặt khác, cũng là áp lực để toàn ngành giáo dục tiếp tục nỗ lực đổi mới việc dạy và học, góp phần đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện một thế hệ học sinh, sinh viên đủ sức gánh vác trọng trách tương lai nước nhà.
THIỆN VĂN