Cũng mấy ngày qua, đề xuất của Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam về việc “trả lại” 2.000 tấn rác/ngày cho TP Hồ Chí Minh đã bị UBND Thành phố bác bỏ và buộc công ty này phải thực hiện  trách nhiệm của mình, đồng thời phải khắc phục tình trạng mùi hôi bốc lên từ Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước. Việc làm rõ nguyên nhân làm cho nước Hồ Tây không có ô-xy còn đang được tiếp tục điều tra, việc bảo vệ, chăm lo cho lá phổi-gương mặt của Hà Nội này còn phải là chuyện khoa học, căn cơ lâu dài. Cũng vậy, bài toán xử lý rác thải ở TP Hồ Chí Minh cũng như tại nhiều thành phố trên đất nước ta không thể là chuyện ngày một, ngày hai, song sự vào cuộc khẩn trương, thái độ rõ ràng, dứt khoát của lãnh đạo các cấp ở thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã được dư luận ghi nhận tích cực.

leftcenterrightdel
 Hồ Tây. Ảnh minh họa.
Rộng ra là việc tỉnh Bình Thuận đã từ chối cho dự án khai thác ti-tan sử dụng nước ngầm, trước đó là quyết định kịp thời buộc dừng ngay hoạt động tổ chức tiệc trong hang tại Vịnh Hạ Long, là những vụ ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác rừng trái phép, lấn chiếm đất rừng ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung, những tính toán thận trọng trước các dự án điện than ở Đồng bằng sông Cửu Long… Tất cả đều cho thấy sự chuyển biến rõ rệt trong quyết tâm, thái độ, trách nhiệm đối với môi trường của lãnh đạo các cấp, các địa phương. Cùng với đó là cách tính, cách làm khoa học, tiến bộ và đồng bộ hơn trong triển khai giải quyết các vấn đề, các vụ việc.

Từ kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, trong quá trình tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta có những lợi thế của “người đi sau” để tránh các thất bại và thiệt hại về môi trường. Tuy nhiên, có vào cuộc mới thấu hiểu có những đòi hỏi về tri thức, năng lực, kinh nghiệm tổ chức, quản lý, chúng ta chưa thể nhanh chóng có được. Nhiều bước đi tắt, nóng vội đã phải trả giá. Riêng về môi trường, về sản xuất sạch, không chỉ những nhà máy, khu công nghiệp lớn mà hầu như mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, mọi hoạt động sống của con người đều có thể là tác nhân gây nên độc hại. Từ mỗi xưởng thủ công ở làng nghề, từ mỗi cửa hàng buôn bán, từ mỗi thửa ruộng trồng lúa, màu, rau quả, từ động cơ của mỗi chiếc xe trên đường, từ hành vi xả rác của mỗi người…

Đồng hành với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là một quá trình kiến tạo văn minh môi trường. Đó là một nền văn minh không chỉ có hạ tầng bảo đảm với chuẩn mực cao mà còn là ý thức, hành động và phản xạ như những thói quen, lối sống của mỗi cộng đồng, mỗi công dân. Và do vậy, xây dựng nếp sống, thói quen văn hóa văn minh là việc ai cũng phải và có thể học, làm.

Văn minh môi trường là nhu cầu cơ bản và thiết yếu của cuộc sống, đã đến hồi mọi câu chuyện hằng ngày không chỉ là ta thán, ỷ lại, trông chờ mà còn là sự tự giác tuân thủ, bảo ban, nhắc nhở và giúp đỡ nhau. Đó là chỗ dựa, là sự hưởng ứng, trợ sức cho những cố gắng của Nhà nước, của các cấp, là sự gây dựng và gia cố cho những móng nền xã hội ngay trong hoàn cảnh cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Phải chăng đã đến lúc đưa tiêu chuẩn môi trường vào vị trí xứng đáng hơn, phổ biến hơn trong quy ước văn hóa ở mọi cộng đồng, mọi cơ quan, đơn vị nhà trường.

Cùng gắn kết và xắn tay vào việc, sự nghiệp kiến tạo văn minh môi trường sẽ đến hồi đơm hoa kết trái.

ANH NGUYỄN