Đừng bao biện rằng: Ngày Tết phải có tiếng pháo mới vui! Xin thưa rằng, hậu quả thương tâm, nhỡn tiền của niềm vui viển vông ấy đến ngay tức thời: Chỉ trong 7 ngày Tết đã có khoảng 130 người đã phải nhập viện vì chấn thương do đốt pháo nổ. Có thể kể ra một số vụ việc như: Tại Lạng Sơn, pháo nổ khiến hai nam giới bị thương nặng, trong đó một người 31 tuổi bị cụt tay, một người 28 tuổi bị mù mắt. Hay tại Nghệ An, một thanh niên 18 tuổi đã bị bỏng toàn thân trong lúc chế tạo pháo...

Thay vì được hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc trong dịp đầu năm mới, thì tai họa đã ập đến với nhiều gia đình. Những giọt nước mắt đau xót đã lăn dài trên má những người mẹ, người chị, người vợ... Không buồn, không đau khổ sao được khi chỉ cách đây mấy ngày, chồng, con, em của họ là những thanh niên mạnh khỏe, là trụ cột lao động trong gia đình, ấy vậy mà giờ đây đã trở thành những người tàn phế.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh đốt pháo được ghi nhận tại thôn Hồng Hà (Yên Bái) vào tối mùng 1 Tết Đinh Dậu 2017. Nguồn: baodatviet.vn.
Việc đốt pháo nổ đã bị nghiêm cấm trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ năm 1995. Có cả khung xử lý hình sự với hành vi đốt pháo nổ. Lý do để Chính phủ đưa ra lệnh cấm cũng chính là bởi những hậu quả quá đau xót từ việc đốt pháo nổ gây ra. Vì thế, lệnh cấm ấy đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội và thực hiện trên cả nước suốt 22 năm qua. Năm nào, trước Tết đại diện chính quyền, đoàn thể ở các địa phương cũng đến từng gia đình phổ biến quy định nghiêm cấm kinh doanh, vận chuyển, đốt pháo nổ, yêu cầu người dân ký vào bản cam kết không vi phạm.


Ấy thế mà, vẫn có những người coi thường pháp luật, cố tình thực hiện hành vi bị nghiêm cấm. Và cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, chính quyền nhiều địa phương còn chưa thực sự quyết liệt trong việc giám sát, xử lý nghiêm minh việc đốt pháo nổ, vẫn còn biểu hiện của việc đơn giản, dễ dãi trong vấn đề này. Vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ thị huyện nào để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, đốt pháo trong dịp Tết thì lãnh đạo huyện phải chịu trách nhiệm, nhận hình thức xử lý kỷ luật. Đây là một việc làm cần thiết, vì chỉ khi chính quyền cơ sở vào cuộc một cách quyết liệt thì mới giải quyết được vấn đề.

Chúng ta đang nỗ lực xây dựng một đất nước thượng tôn pháp luật. Đó chính là một yêu cầu tất yếu để bảo đảm, giữ vững ổn định xã hội, tạo tiền đề phát triển đất nước. Chính vì thế mọi biểu hiện của việc coi thường kỷ cương, phép nước phải được xử lý nghiêm minh.         

Có thể nói tiếng pháo nổ trong những ngày Tết vừa qua là những tiếng pháo nhức nhối. Dư luận đang rất mong chờ hành động xử lý cương quyết của chính quyền các cấp, để từ năm sau không để xảy ra tình trạng "nhờn" pháp luật như vậy và những gì pháp luật đã cấm thì không ai dám vi phạm!

HỒ QUANG PHƯƠNG