Hậu quả do bão lũ gây ra không thể khắc phục một sớm một chiều. Tình hình đó đặt ra trong công tác phòng, chống bão lũ, thiên tai (BLTT) thời gian tới càng phải chủ động, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa, nhất là khi cả nước đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa bão trong năm.

Ảnh minh họa/TTXVN. 

Nhìn lại những cơn bão đã qua, chúng ta thấy rõ sự vào cuộc chủ động, quyết liệt trong công tác phòng, chống từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương và người dân. Sức mạnh tổng hợp đó đã góp phần giảm đáng kể những thiệt hại do bão lũ. Tuy nhiên, ở một số nơi, một số cán bộ cơ sở, người dân vẫn còn chủ quan, xem nhẹ và chưa thấy hết những tác động ảnh hưởng, hậu quả của BLTT gây ra. Do đó, còn chưa có nhiều và thậm chí còn thiếu chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống. Tâm lý thụ động, “bình chân như vại” hay “nước đến chân mới nhảy”... trong một số ít cán bộ cơ sở và người dân là một trong những nguyên nhân khiến cho nguy cơ thiệt hại tăng cao. Thực tế trong các cơn bão vừa qua, tại một số nơi, khi chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đến tuyên truyền, vận động, giúp đỡ, hỗ trợ di dời về nơi tránh trú an toàn, thì vẫn có người dân chưa chủ động phối hợp thực hiện, khiến các lực lượng buộc phải cưỡng chế. Nhiều người còn bỏ ngoài tai những lời cảnh báo, khi nước lũ dâng cao vẫn xuống sông vớt củi, vớt gỗ... nên đã xảy ra hậu quả đau lòng. Sau mỗi cơn bão đi qua, nếu địa phương, gia đình mình không bị ảnh hưởng, thiệt hại gì nhiều thì tâm lý chủ quan càng lộ rõ. Đó cũng là mối quan tâm, lưu ý, cảnh báo của các cơ quan chức năng đối với chính quyền các địa phương và nhân dân.

Nước ta đang bước thời kỳ cao điểm của mùa mưa bão. Nhiệm vụ phòng, chống BLTT trong lúc này luôn đặt lên hàng đầu đối với các cấp, các ngành, các địa phương và từng người dân. Việc phòng, chống càng chủ động, tích cực, chu đáo bao nhiêu thì sẽ càng giảm bớt thiệt hại bấy nhiêu.

Trước những tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết nước ta trong thời gian tới dự báo sẽ ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường thì việc chủ động đề phòng thiên tai của mỗi người dân càng trở nên hết sức cần thiết. Trước hết, cơ quan chức năng cần chủ động dự báo sớm, thông tin nhanh chóng, chính xác, đưa ra cảnh báo cụ thể để người dân có đầy đủ thông tin, chủ động tìm các biện pháp phòng, chống. Các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, nhất là các đơn vị, địa phương cơ sở cần rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch, cơ sở vật chất theo phương châm “4 tại chỗ”, phối hợp chặt chẽ, sâu sát chỉ đạo thực hiện đồng bộ, kịp thời. Trong những trường hợp khẩn cấp, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng phải có những biện pháp kiên quyết để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Đặc biệt, hơn bao giờ hết, mỗi gia đình và từng người dân cần nhận thức đầy đủ hậu quả của BLTT để từ đó chủ động trong việc nắm bắt thông tin, tích cực phòng tránh, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho chính bản thân và gia đình mình...

VŨ XUÂN DÂN