Nguyên nhân khiến các cơ sở này bị hạ sao là vì điều kiện hạ tầng cơ sở, vật chất, nguồn nhân lực ở các cơ sở trên chưa tương xứng với tiêu chí xếp hạng đã được công nhận.
Lâu nay ngành du lịch hay bị dư luận “soi”, phê bình vì hoạt động không mấy hiệu quả, chưa có nhiều biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn yếu kém cũng như các giải pháp quyết liệt để bắt nhịp nhu cầu du khách và xu thế phát triển du lịch của các nước… Những hiện tượng đeo bám, chèo kéo thậm chí là đe dọa, buộc du khách phải sử dụng các dịch vụ du lịch ở các địa phương có nguy cơ làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách vẫn xảy ra, khiến cơ quan chức năng chưa tìm được phương pháp xử lý căn cơ, hữu hiệu. Dư luận cho rằng, để phát triển du lịch thì việc nâng, hạ sao các khách sạn chỉ là “giải pháp kỹ thuật”. Ở khía cạnh khác, đó chỉ là “giải pháp tình thế”, nhằm thiết lập “bức tường lửa”, ngăn chặn hiện tượng chạy sao. Bởi thực tế là, do nhu cầu du lịch của du khách trong nước và khách nước ngoài đến Việt Nam tăng mạnh nên việc xây dựng khách sạn, cơ sở lưu trú cũng rất phát triển.
Khách sạn Hoàng Gia là khách sạn đầu tiên đạt tiêu chuẩn 5 sao tại TP Hạ Long. Ảnh: http://qtv.vn
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ khách sạn 3 sao tăng 13%, 4 sao tăng 14% và 5 sao tăng 16% so với giai đoạn trước. Trong số liệu này, bên cạnh các khách sạn được công nhận đạt chuẩn thật sự, có cả các khách sạn “được ưu ái” tăng sao. Vì để hút khách, có nhiều lợi nhuận, các khách sạn tìm đủ mọi biện pháp, trong đó có việc cố “chạy” cho được sao. Bởi sao càng cao thì càng chứng tỏ đẳng cấp, chất lượng phục vụ, qua đó lợi nhuận thu về cũng tăng nhanh.
Theo các chuyên gia, quyết định của Tổng cục Du lịch nói trên mới chỉ “bóc gỡ” một phần nào yếu điểm trong hoạt động dịch vụ du lịch. Bởi thực tế, hoạt động du lịch là tổng thể nhiều khâu dịch vụ của nhiều cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương. Bộ tiêu chuẩn quốc gia xếp hạng khách sạn (TCVN 4391:2015) do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố là những tiêu chí cứng để cơ quan chức năng căn cứ để xếp hạng các khách sạn. Ngoài những tiêu chí này, rất nhiều các tiêu chí khác, như: Sự thân thiện trong tiếp đón, bảo đảm an toàn du khách hay như việc bảo đảm an toàn cháy nổ của các cơ sở du lịch, khách sạn, nhà nghỉ… cũng ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và doanh thu từ du lịch.
Du lịch là ngành “công nghiệp không khói”. Ở nước ta, với sự ưu đãi về điều kiện tự nhiên, khí hậu cũng như sự đa dạng về lịch sử, văn hóa, tiềm năng phát triển các loại hình du lịch là rất lớn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhất là việc đầu tư chưa xứng tầm, không có trọng tâm, trọng điểm và đặc biệt là chất lượng các loại hình dịch vụ du lịch chưa được quản lý một cách chuyên nghiệp triệt để nên dẫn đến tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thường chạy theo vụ việc để xử lý là khá phổ biến. Hậu quả là tỷ lệ du khách trở lại du lịch và sử dụng các loại hình dịch vụ du lịch bị giảm đáng kể. Đây là những tín hiệu đáng buồn giữa thời kỳ hội nhập sôi động.
Lối thoát để du lịch Việt Nam cất cánh không hẳn chỉ phụ thuộc vào việc hạ sao khách sạn chưa đạt chuẩn. Bởi việc nghỉ ngơi của du khách mới chỉ là một phần trong hoạt động du lịch, chỉ là một ‘mắt xích” trên chặng đường “hưởng thụ” của du khách. Thái độ thân thiện, sự tiện lợi của các dịch vụ, sức hấp dẫn của văn hóa, thiên nhiên, cảnh quan… ở mỗi điểm đến, chặng đường là những tiêu chí quan trọng, thậm chí quan trọng hơn việc nâng hay hạ sao của khách sạn.
ĐỨC TÂM