Trước thực trạng ấy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và yêu cầu chấm dứt ngay việc các địa phương, cơ quan Nhà nước nhận xe biếu, tặng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có những hoạt động kinh doanh trên địa bàn.
Tuy điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng bằng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, nên việc bố trí phương tiện phục vụ cán bộ các cấp thực thi nhiệm vụ cơ bản được bảo đảm và cũng được quy định hết sức cụ thể. Phải khẳng định rằng: Với quy định hiện hành thì cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện bảo đảm để cán bộ các cấp đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ, nhất là cán bộ cao cấp. Vì vậy, sẽ là không cần thiết khi chính quyền một số địa phương phải “dựa” vào doanh nghiệp mới có phương tiện để phục vụ nhân dân, phục vụ công tác. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không những kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện chưa tốt, chưa đúng ở các địa phương mà còn là sự cảnh báo đối với đội ngũ cán bộ, công chức các cấp trong việc nhận quà biếu, quà tặng của doanh nghiệp.
Trên thực tế, ở không ít địa phương hiện nay, tình trạng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân không chỉ “tặng” địa phương ô tô, mà còn “tặng” rất nhiều thứ khác, như: Mua căn hộ với giá ưu đãi; tham quan, du lịch ở nước ngoài dưới danh nghĩa học hỏi kinh nghiệm; mua cổ phiếu; hỗ trợ học bổng khi con, em cán bộ đi du học ở nước ngoài... Nhận một chiếc ô tô vượt quá tiêu chuẩn quy định của Nhà nước, hiển nhiên xã hội sẽ rất dễ nhận thấy điều “bất thường”, nhưng khi địa phương “nhận” những thứ khác như nêu ở trên, hẳn sẽ ít người biết đến. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, khi không ít các doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản hoặc giải thể, thì việc “đầu tư” hàng chục nghìn đô-la để chính quyền địa phương đi “tham quan, học hỏi kinh nghiệm” dài ngày ở nước ngoài chắc không thể là chuyện “tình cảm”. Một căn hộ được mua với giá ưu đãi, mà chỉ cần "sang tay" cũng thu về tiền tỷ, chắc không phải là việc tạo điều kiện để nâng cao chất lượng đời sống của cán bộ, công chức...? Bởi vậy, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng đó là những biểu hiện của “lợi ích nhóm”, sự vụ lợi trong quản lý xã hội giữa một số lãnh đạo địa phương với một số doanh nghiệp?
Quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là trách nhiệm của lãnh đạo, chính quyền các cấp; mà trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương về việc chấm dứt nhận ô tô dưới dạng “biếu, tặng” của các doanh nghiệp và cần phải mở rộng ở nhiều biểu hiện khác đang diễn ra khá phong phú trên thực tế hiện nay. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chính là bước cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thể hiện rõ quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, không chỉ khi nào Thủ tướng có chỉ thị thì khi đó địa phương, đơn vị mới triển khai thực hiện. Vì vậy, cùng với đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải làm tốt và kiểm soát chặt chẽ, thực chất việc thu nhập cá nhân và kê khai tài sản; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách và chịu trách nhiệm đến cùng những phần việc, nội dung do mình phụ trách; đề cao dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất là nhân dân nơi cán bộ, đảng viên sinh sống.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả và chủ động thực hiện những vấn đề nêu trên không những góp phần làm trong sạch bộ máy Nhà nước, mà còn là giải pháp thiết thực triệt tiêu “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên... của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Xã hội càng phát triển, cơ chế kiểm soát phải chặt chẽ, khoa học và thông tin càng phải công khai, minh bạch, kịp thời... là yêu cầu bức thiết trong quản lý cán bộ, đảng viên đối với toàn Đảng và hệ thống chính trị; là đòi hỏi chính đáng của xã hội và mỗi người dân. Và đó cũng là những giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong xã hội, nhất là trong bộ máy Nhà nước hiện nay.
LÊ LONG KHÁNH