Nhu cầu mua TPCP lớn đến mức Kho bạc Nhà nước đã quyết định nâng tổng mức phát hành TPCP trong cả năm 2016 từ 220.000 tỷ đồng lên 250.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, trong lúc nguồn tiền đang đổ dồn vào thì tốc độ giải ngân vốn TPCP lại rất chậm chạp. Từ đầu năm tới nay, vốn TPCP mới giải ngân được khoảng 25,8% dự toán năm; trong khi đó, cùng thời gian này năm 2015 đã giải ngân được khoảng 44% dự toán năm.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao các dự án đầu tư công đang rất khát vốn, trong đó có những dự án hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội rất cấp bách; ấy vậy mà, nguồn vốn TPCP khá dồi dào lại khó giải ngân, đành phải “nằm chờ” trong các ngân hàng? Ách tắc xảy ra ở đâu?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra một số nguyên nhân chính để lý giải cho việc vốn đầu tư công nói chung và vốn TPCP nói riêng đang bị ách tắc trong giải ngân: Thứ nhất là do một số bộ, ngành, địa phương chậm trong việc nộp kế hoạch vốn của năm 2016; chậm trong việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Thứ hai là, thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiều thủ tục bất hợp lý. Thứ ba là, những khó khăn về giải phóng mặt bằng do chính quyền một số địa phương chưa thực sự vào cuộc chỉ đạo kiên quyết khi triển khai dự án trên địa bàn; rồi năng lực yếu kém của nhà thầu... Cùng với đó, Luật Đầu tư công được thực thi bắt đầu từ năm 2015 cũng đã xiết chặt quản lý vốn đầu tư công, khiến các chủ đầu tư không thể dễ dàng giải ngân khi chưa thực hiện đúng các quy trình.
Có thể thấy, trong các nguyên nhân nói trên có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Nếu như các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm cao hơn trong việc thực thi nhiệm vụ; nếu như công tác cải cách thủ tục hành chính được tiến hành quyết liệt hơn thì chắc rằng kết quả giải ngân vốn đã tốt hơn nhiều. Trong thời gian tới, các luật, nghị định, thông tư có liên quan đến đầu tư công cũng nên được rà soát, để kịp thời có sự điều chỉnh cần thiết, tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước ta năm nay là 6,7%. Trong nửa đầu năm, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta đã chậm so với kế hoạch. Nếu không kịp thời tháo gỡ những khó khăn để khơi thông được nguồn vốn đầu tư công, trong đó có vốn TPCP thì các mục tiêu phát triển của năm nay cũng như giai đoạn 2016-2020 sẽ khó đạt được. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, không nên vì sức ép tăng trưởng, sức ép từ dòng vốn đang dồn tụ mà chuyển sang thái cực quá dễ dãi trong việc giải ngân. Cần phải ưu tiên đầu tư cho những dự án trọng điểm, cấp bách, cùng với đó là phải xem xét kỹ dự toán của từng hạng mục dự án, tránh lãng phí, thất thoát.
Vốn TPCP là một khoản vay của Chính phủ, suy cho cùng cũng là khoản vay của toàn dân. Nếu cả trăm nghìn tỷ đồng tiền vay ấy không được sử dụng đúng đắn, kịp thời, tạo thành lực đẩy cho nền kinh tế, thì nó sẽ phản tác dụng, gây áp lực lên nợ công vốn đã ở mức cao.
HỒ QUANG PHƯƠNG