Đặc biệt là có tới 15 bộ, cơ quan Trung ương và 23 địa phương đề nghị trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 với tổng số vốn là 21.771,492 tỷ đồng. Số vốn chưa phân bổ, giao chi tiết đến hết ngày 15-9-2021 còn hơn 56,32 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,2% kế hoạch, trong đó, vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia là 16.000 tỷ đồng, chiếm 3,4% kế hoạch.
Tình trạng chậm, không giải ngân được vốn đầu tư công khiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất sốt ruột. Thường trực Chính phủ đã phải tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ, nguồn vốn đầu tư công còn lại của năm 2021 khoảng 250 nghìn tỷ đồng là nguồn lực rất quan trọng trong lúc dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và đời sống nhân dân. Vì vậy, Thủ tướng nghiêm khắc phê bình những nơi có tỷ lệ giải ngân dưới 40%. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã nhiều lần nhắc tới tình trạng đầu tư công “có tiền mà không tiêu được”, tác động lớn đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, gây lãng phí nguồn lực.
 |
Nguyên nhân lớn nhất của tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công là do dịch Covid-19 bùng phát mạnh từ cuối tháng 4 đến nay, dẫn tới nhiều địa phương phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn |
Nguyên nhân lớn nhất của tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công là do dịch Covid-19 bùng phát mạnh từ cuối tháng 4 đến nay, dẫn tới nhiều địa phương phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, một số bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa có cách làm sáng tạo; chưa rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương trong việc xử lý vướng mắc đầu tư công chưa hiệu quả. Những ý kiến này không phải là không có lý, khi trong hoàn cảnh khó khăn chung nhưng nhiều bộ, ngành, địa phương khác vẫn đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá. Thậm chí có 6 địa phương đề nghị bổ sung kế hoạch đầu tư vốn.
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh đang gây rất nhiều khó khăn cho kinh tế-xã hội nước ta. Kinh tế quý III tăng trưởng âm khoảng 6,17%, kéo tụt tăng trưởng 9 tháng năm 2021 còn 1,42%. Kinh tế khó khăn nên đang rất cần các nguồn lực nhanh chóng được đưa vào thị trường giúp kích thích tăng trưởng. Nhiều chuyên gia đề nghị các gói hỗ trợ tiền mặt trực tiếp lớn hơn để kích thích tổng cung và tổng cầu, nhưng trong bối cảnh khó khăn thì những gói tiền mặt lớn không phải dễ dàng bố trí được trong ngày một, ngày hai. Trong khi cả nền kinh tế đang "khát vốn", lĩnh vực đầu tư công lại có tiền nhưng không tiêu được là một sự lãng phí rất lớn. Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong thời điểm này một mặt đóng góp trực tiếp vào việc tăng trưởng GDP cho đất nước, mặt khác gián tiếp bơm tiền vào thị trường để kích thích tổng cung, tổng cầu, đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động và cải thiện cơ sở hạ tầng, gián tiếp giúp kinh tế-xã hội phát triển mạnh hơn. Mũi tên đầu tư công lúc này sẽ trúng rất nhiều đích, do đó rất cần lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn, tập trung cao nhất cho công tác giải ngân để bảo đảm vừa giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả vừa tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.
CHIẾN THẮNG