Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của cả nước đạt mức kỷ lục với 110,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,2% so với năm 2015. Trong hai tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng tốc, cả nước có thêm 14.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Thế nhưng, cũng có một số lượng không nhỏ doanh nghiệp khởi nghiệp đã chết yểu. Trong năm 2016, cả nước có tới 12.478 doanh nghiệp giải thể, tăng 31,8% so với năm trước. Hai tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp giải thể tiếp tục tăng, với 2.524 doanh nghiệp, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng HDBank. Ảnh minh họa theo internet
Trong nền kinh tế thị trường, sinh, tử là chuyện bình thường đối với doanh nghiệp. Thị trường luôn sàng lọc doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào làm ăn hiệu quả thì tồn tại và phát triển, ngược lại doanh nghiệp nào làm ăn kém hiệu quả thì bắt buộc phải phá sản, giải thể. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh cho thấy tác động tích cực của các chính sách khởi nghiệp. Thế nhưng, với số lượng doanh nghiệp giải thể tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước lại cho thấy việc nuôi dưỡng doanh nghiệp sau khi khởi nghiệp còn nhiều vấn đề phải bàn.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay cho thấy, việc thành lập một doanh nghiệp quả là quá dễ so với công sức và chi phí đầu tư cần bỏ ra để vận hành hoạt động của nó sao cho thực sự ổn định và hiệu quả. Hay nói cách khác là khởi nghiệp thì dễ nhưng hậu khởi nghiệp hay dưỡng nghiệp mới là vấn đề khó.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, để doanh nghiệp sau khi thành lập đứng vững và phát triển trong nền kinh tế thị trường, vấn đề quan trọng nhất là phải có chiến lược kinh doanh đúng đắn. Điều cốt lõi để doanh nghiệp tồn tại là sản phẩm sản xuất ra (dịch vụ, sản phẩm) đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nói gọn là sản phẩm sản xuất ra có người mua. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, đòi hỏi doanh nghiệp phải bắt nhịp được những chuẩn mực khu vực và quốc tế, người chủ doanh nghiệp phải có kiến thức phù hợp. Vì vậy, bên cạnh thông điệp khuyến khích khởi nghiệp, cũng cần phải có thông điệp rằng khởi nghiệp sẽ có rất nhiều rủi ro, hậu khởi nghiệp là nhọc nhằn. Chương trình "Quốc gia khởi nghiệp" bên cạnh việc hướng đến mục tiêu tôn vinh, khích lệ tinh thần các bạn trẻ khởi nghiệp, cũng cần định hướng cho các bạn trẻ có cái nhìn thực tế, chuẩn bị thật kỹ về nhu cầu thị trường, tiềm năng sản phẩm, sẵn sàng đương đầu và vượt qua những khó khăn sau khi khởi nghiệp.
Để doanh nghiệp sau khi thành lập sống được, phát triển được, bên cạnh cố gắng của doanh nghiệp, trên bình diện quốc gia, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng thành công trong hội nhập kinh tế trước những cạnh tranh gay gắt hiện nay. Điều này bảo đảm cho việc phát triển các thị trường yếu tố sản xuất một cách lành mạnh, linh hoạt, giảm chi phí giao dịch. Về phía lãnh đạo các địa phương nơi có doanh nghiệp cũng cần phải có tư duy dưỡng nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau khởi nghiệp.
Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua việc kết nối các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đang là điểm nhấn của phong trào khởi nghiệp hiện nay ở các địa phương. Hệ sinh thái này cần phải có thêm bước hậu khởi nghiệp để giúp cho các mầm non khởi nghiệp không bị ngã gục trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
ĐỖ PHÚ THỌ