Điều ấy có gì đặc biệt? Nó đặc biệt ở chỗ, lần đầu tiên, hình ảnh của một doanh nghiệp Việt Nam tiến quân ra thế giới, xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Và hơn thế, ở rất nhiều thị trường nước ngoài, Viettel đã nhanh chóng vươn lên vị trí thống lĩnh.
Cũng chỉ cách đây ít ngày thôi, nhiều người đã rất xúc động khi xem đoạn clip ca khúc “Vươn cao Việt Nam” của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), với hình ảnh những cháu bé ở khắp mọi miền của Tổ quốc, rất xinh xắn, khỏe mạnh, với nụ cười rạng rỡ. Không xúc động sao được khi người Việt Nam ta vốn thấp nhỏ, thể lực yếu; kinh tế nhiều vùng còn quá khó khăn nên trẻ em chưa được cung cấp đủ sữa, đủ dinh dưỡng để cải thiện giống nòi. Vinamilk đã nêu đúng cái khát vọng vươn cao của dân tộc, khát vọng cung cấp đủ dinh dưỡng để các thế hệ người Việt sau này có tầm vóc cao lớn, đủ trí tuệ, đủ sức lực gánh vác đất nước vượt lên. Và Vinamilk cũng đang nỗ lực để góp phần cải thiện nòi giống Việt Nam.
Hình ảnh nhân viên Viettel tại thủ đô Lima của Peru hát Quốc ca. Ảnh cắt từ clip.
Không phải ngẫu nhiên mà sau một thời gian nghiên cứu, Tập đoàn BCG của Mỹ-nhà tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới-đã khẳng định rằng, ở Việt Nam mới chỉ có 3 doanh nghiệp có khả năng vươn tầm ra thế giới, đó là: Viettel, Vinamilk và FPT. Các yếu tố để đưa tới kết luận này ngoài cơ sở hiện có, quy mô doanh thu, tốc độ tăng trưởng, mức lợi nhuận thì còn một yếu tố vô cùng quan trọng là khát vọng vươn lên, khát vọng vươn ra thế giới và khả năng truyền đạt khát vọng ấy.
Có gặp các lãnh đạo của Viettel, Vinamilk, FPT, lắng nghe họ nói và đối chứng với những việc mà 3 doanh nghiệp này đã làm thì mới cảm nhận rõ cái tâm, cái tầm và những khát khao bỏng cháy trong họ. Khát khao ấy không chỉ là khát khao vươn lên của bản thân doanh nghiệp mà còn đại diện cho sự vươn lên của cả dân tộc, cả đất nước. Trong cái "tôi" của những doanh nghiệp, doanh nhân có tầm vóc luôn hàm chứa cái "ta" của đất nước. Do vậy, những doanh nghiệp có tâm, có tầm sẽ không chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp mình mà bỏ qua lợi ích của quốc gia, dân tộc. Ví dụ như, lãnh đạo Viettel dứt khoát không đầu tư vào trò chơi điện tử trực tuyến, dù biết rằng Viettel có thế mạnh và có thể sẽ thu lãi lớn. Lý do Viettel không làm là bởi, cùng với lợi nhuận doanh nghiệp thu được, thì trò chơi điện tử trực tuyến cũng mang lại những tác hại khôn lường cho cộng đồng, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Những doanh nghiệp có khát vọng, biết cách thể hiện khát vọng của mình cũng sẽ hội tụ được đội ngũ những con người Việt Nam có khát vọng, cùng chung chí hướng từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Không ít kỹ sư công nghệ của Viettel đã từ bỏ những công việc với mức lương rất cao ở công ty nước ngoài, trở về cùng nhau làm việc trong một đội ngũ, để thỏa ước mơ là làm ra những sản phẩm Việt Nam, khẳng định trí tuệ người Việt Nam.
Hiện nước ta có hơn nửa triệu doanh nghiệp. Mục tiêu Chính phủ đặt ra là tới năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thì một điều rất quan trọng là phải làm sao truyền thổi cho doanh nghiệp và doanh nhân khát vọng vươn lên khẳng định tài năng, tầm vóc của người Việt Nam. Làm sao để các doanh nhân mang cái tâm cống hiến cho đất nước. Như vậy, chúng ta mới khắc phục được tình trạng doanh nghiệp làm ăn kiểu chộp giật, tư duy ngắn hạn, chỉ cố gắng khai thác kẽ hở của pháp luật để khai thác tài nguyên, dùng lợi ích nhóm để thao túng gây hại cho lợi ích chung. Và cũng chỉ với trí tuệ cao, cái tâm sáng, làm ăn đàng hoàng, chân chính thì doanh nghiệp Việt Nam mới có sức mạnh thực sự, chứ không phải chỉ mạnh nhờ xin được cơ chế, mạnh nhờ quan hệ thân hữu và sẽ không còn phải lâm cảnh “khôn nhà, dại chợ”.
HỒ QUANG PHƯƠNG