Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan đoàn thể các cấp và đông đảo nhân dân. Bởi, công tác đặc xá là lĩnh vực liên quan mật thiết đến tình hình an ninh trật tự, đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội của cộng đồng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Luật Đặc xá được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21-11-2007, tại Kỳ họp thứ hai và có hiệu lực từ ngày 1-3-2008. Tổng kết 10 năm thi hành Luật Đặc xá cho thấy, trong 10 năm qua, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quyết định về đặc xá, nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, qua đó đã đặc xá 85.897 phạm nhân, 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Kết quả thực hiện công tác đặc xá những năm qua thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Luật Đặc xá vẫn còn không ít tồn tại, bất cập, nhất là những bất cập giữa các quy định của Luật Đặc xá với các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đặc xá năm 2007. Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) quy định chặt chẽ hơn về trình tự, thủ tục, điều kiện được đặc xá; mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh đối với việc xác định nội dung, trình tự, thủ tục, đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xem xét đặc xá đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện...

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa qua, với tinh thần làm việc nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến phân tích, phản biện, góp ý cho Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần coi trọng các quy định về tái hòa nhập cộng đồng. Ban soạn thảo Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) cần nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm của các cơ quan liên quan, giúp người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, giảm thấp nhất tỷ lệ tái phạm sau khi được đặc xá.

Thực tế cho thấy, dù chỉ là cá biệt, song hiện tượng một số đối tượng sau khi được đặc xá tiếp tục tái phạm, thậm chí có những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, trở thành mối lo ngại của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến giá trị tốt đẹp của chính sách khoan hồng, nhân đạo. Một trong những nguyên nhân tái phạm là do phạm nhân sau khi ra tù không có công ăn việc làm, bị phân biệt đối xử, tiếp tục bị các phần tử xấu rủ rê, lôi kéo, tính răn đe của pháp luật chưa cao. Bản thân người được đặc xá thường phải tái lập cuộc sống trong điều kiện khó khăn, cả về đời sống kinh tế và tâm lý. Để đặc xá thể hiện giá trị nhân đạo thì việc giải quyết “hậu đặc xá” đòi hỏi cao vai trò của các cơ quan thực thi pháp luật, hệ thống chính trị ở cơ sở và gia đình, cộng đồng. Bản chất của tính nhân đạo, chính sách khoan hồng là tạo môi trường cho cái tốt sinh sôi, phát triển, đẩy lùi cái xấu, làm cho đời sống xã hội có kỷ cương, bình yên, tương thân tương ái. Với phương châm “đánh kẻ chạy đi ai đánh kẻ chạy lại”, dư luận xã hội luôn ủng hộ và quan tâm đến hoạt động đặc xá. Vấn đề đặt ra là hiệu quả của đặc xá đối với đời sống xã hội như thế nào? Những người được hưởng chính sách khoan hồng sẽ tái hòa nhập cộng đồng ra sao? Tính nhân văn của đặc xá nhất thiết phải đi đôi với hiệu quả răn đe, nhằm bảo đảm kỷ cương nghiêm minh của pháp luật...

Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn là căn cứ để Ban soạn thảo Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) tiếp thu, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong thời gian tới nhằm sớm hoàn thiện pháp luật về đặc xá, thể hiện cao nhất giá trị nhân đạo, chính sách khoan hồng và tính nghiêm minh của pháp luật...

PHAN TÙNG SƠN