QĐND - Mới đây, hai giáo viên của Trường THCS Trung Nhứt (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) bị hội đồng kỷ luật nhà trường buộc thôi việc vì trong quá trình thảo luận chỉ tiêu thi đua của nhà trường đã cho rằng chỉ tiêu đề ra không sát với thực lực của học sinh.

Chuyện là, tại Đại hội công nhân viên chức, Ban giám hiệu (BGH) Trường THCS Trung Nhứt xác định chỉ tiêu thi đua trong năm học 2011-2012 là: Kết thúc năm học, các môn Toán, Lý, Hóa, Anh văn, Ngữ văn, 95% học sinh phải đạt tỷ lệ trung bình trở lên. Thầy Lý Văn Hiếu (giáo viên môn Toán) cho rằng, chỉ tiêu trên khó đạt được bởi trong đợt kiểm tra chất lượng đầu năm, ở môn Toán, trong tổng số 90 học sinh chỉ có 11 em đạt điểm 5 trở lên (tỷ lệ 12,2%). Còn cô Võ Kim Phụng (giáo viên môn Lịch sử) cho rằng, chỉ tiêu thi đua mà nhà trường xác định sẽ gây không ít áp lực cho cả giáo viên và học sinh.

Thầy Lý Văn Hiếu (giữa) đang đứng trước nguy cơ mất việc vì chống bệnh thành tích. Ảnh: thotnot.vn.

Thay vì xem xét, bàn bạc, cân nhắc những ý kiến đóng góp hợp lý đó của các giáo viên, hội đồng kỷ luật nhà trường lại ra quyết định buộc thôi việc đối với thầy Hiếu và cô Phụng. Đặc biệt, Ban giám hiệu (BGH) nhà trường còn xem xét xử lý kỷ luật đối với cô Phan Lâm Quỳnh Như bởi cô Như là vợ của thầy Hiếu và "có vẻ đồng tình với quan điểm của chồng".

Thật lạ lùng với cách ứng xử của BGH Trường THCS Trung Nhứt. Trong khi nhiều ngành, nhiều địa phương, trong đó có ngành giáo dục đào tạo đang triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, động viên mọi người tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương, chính sách của tổ chức, đơn vị, cơ quan, coi việc dân chủ đóng góp ý kiến vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi thành viên trong tập thể. Đó cũng là giải pháp quan trọng nhằm khơi dậy, phát huy trí tuệ tập thể vì sự phát triển, tiến bộ của từng cơ quan, đơn vị, nhà trường. Những năm qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo ráo riết kêu gọi cán bộ, giáo viên, công chức hiến kế và thực hiện nghiêm túc, triệt để việc chống bệnh thành tích trong dạy và học, cũng như đánh giá kết quả thi, kiểm tra. Hưởng ứng chủ trương trên, đáng ra hành động thẳng thắn tham gia ý kiến xây dựng chỉ tiêu thi đua của thầy Hiếu và cô Phụng phải được BGH nhà trường khuyến khích... 

Thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", phát huy dân chủ rộng rãi trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Chính nhờ phát huy dân chủ rộng rãi, Đảng ta không những phát huy được trí tuệ tập thể, mà còn huy động được sức mạnh vô tận trong quần chúng nhân dân. Chúng ta đang phấn đấu xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Để thực hiện mục tiêu đó đòi hỏi nỗ lực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cũng như của từng cá nhân. Cách ứng xử của BGH trường Trung Nhứt là một cách hạn chế quyền "được biết, được bàn" của cán bộ, giáo viên và nhân viên và cần đấu tranh loại bỏ.

Nguyễn Tấn Tuân