Cách đây gần 3 năm, Chính phủ ban hành Nghị định số 61 quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Thực tiễn cho thấy, cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã góp phần tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức và công dân, đơn giản hóa các TTHC, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn những hạn chế, như: Thẩm quyền giải quyết các TTHC còn cắt khúc nhiều cửa và khâu trung gian; cách thức giải quyết TTHC còn mang tính truyền thống, thủ công, chưa tích cực áp dụng những tiến bộ công nghệ tin học để phù hợp với nhu cầu trong điều kiện hội nhập quốc tế. Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn nhiều bất cập, số lượng hồ sơ thực hiện thấp. Các hệ thống thông tin dữ liệu liên quan đến việc giải quyết TTHC còn cục bộ, chưa có sự kết nối, chia sẻ, liên thông, đồng bộ, thống nhất...

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN. 

Trước những bất cập trên, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương liên quan xây dựng Đề án theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân, tổ chức, doanh nghiệp với quan điểm chỉ đạo: Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại; hiện thực hóa chủ trương đẩy mạnh việc chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

Đề án đặt mục tiêu: Năm 2023-2025, có 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC (trước đó), mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ; 100% hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng... Có thể nói, những mục tiêu đó làm thỏa mãn số đông người dân, tổ chức, doanh nghiệp nếu thực sự hiện hữu trong thực tiễn, như Đề án đã xác định. Còn vấn đề trước mắt được “chủ thể” của sự đổi mới ấy trông đợi, chính là hoàn thiện thể chế, với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để bảo đảm tính phù hợp, thống nhất, tạo hành lang pháp lý trong thực hiện Đề án. Vấn đề quan trọng tiếp theo là nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống công nghệ thông tin; tổ chức thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành... qua trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ giải quyết TTHC.

Vào năm 2025, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95%-mục tiêu đó của Đề án có được hiện thực hóa hay không, bên cạnh những giải pháp cơ bản đã được hoạch định, thì không thể thiếu vai trò của công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cùng với đó là xử lý nghiêm những trường hợp gây khó khăn, chậm trễ cho việc triển khai thực hiện Đề án.

ĐÀO HỒNG