Mỗi lần chị về bạn bè đều biết tin, bởi chị cập nhật trên facebook, zalo những món ăn đặc trưng của vùng đất này. Theo dõi những dòng bình luận của bạn bè, thấy có lần chị bảo vệ đến cùng món ăn khoái khẩu-cháo lươn, mà người bạn có ý không ưng khi ví như "gạo luộc trộn nước lươn". Đáp lại, chị tả chi tiết bát cháo lươn khác biệt khiến chồng chị mê mẩn, hạt cháo không được nhừ nhuyễn mới cảm nhận được vị ngọt thơm của gạo, hành khô phải thái trực tiếp mới giữ vị thơm nồng, đậu phụ rán giòn, ớt tươi cắt nhỏ… tất cả hợp thành món khoái khẩu của biết bao người.

Có dịp đi công tác tại huyện Triệu Phong (Quảng Trị), tôi được lãnh đạo xã Triệu Thành đưa tới một quán nhỏ: Thu Hà-đặc sản nem lụi Sải. Ngay khi bước vào cửa, tôi bị quyến rũ bởi mùi thơm phức của những xiên thịt xay viên tròn, xâu vào que tre nướng trên bếp than hồng. Chị chủ quán là cháu 3 đời nối nghiệp từ cụ ngoại theo nghề truyền thống làm nem lụi, cho biết đặc sắc là ở cách ướp gia vị vào thịt viên để khi nướng lên bên ngoài săn giòn mà bên trong mềm tươi, rất ngọt. Nem nướng lên cho vào trong lớp bánh đa mỏng như giấy lụa, cuốn cùng các loại rau sống, dưa leo, khế, xoài cắt lát mỏng rồi chấm với nước “lèo”-loại nước chấm được pha chế từ lạc rang xay nhỏ, hòa với gia vị để có một thứ nước chấm sền sệt vừa béo ngậy, vừa bùi, thơm đậm đà. Nghe qua đã hình dung chẳng khác nào “bản giao hưởng của đồng quê”.

Nem lụi. Ảnh minh họa: Internet.

Ngày nay, chỉ cần một cuộc điện thoại đặt hàng thì dù ở Hà Nội, Quảng Ninh hay Đà Nẵng, Nha Trang… đều có thể được thưởng thức nem lụi Sải. Được biết, lãnh đạo địa phương này đang lập hồ sơ đăng ký thương hiệu cho món quà của quê hương. Bên cạnh đó, họ cũng có những kế hoạch bài bản hơn khi đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng xã hội hóa, kêu gọi nguồn đóng góp từ những người con quê hương thành đạt. Những hàng quán với các món ẩm thực đặc trưng quê hương, khách ra vào tấp nập, vì thế mà người bán cũng chú trọng hơn trong khâu chọn lựa thực phẩm tươi ngon, gia giảm chế biến bảo đảm vệ sinh, an toàn, thái độ niềm nở, ứng xử văn minh hơn để níu chân thực khách, giữ vững thương hiệu.

Đặc trưng của mỗi vùng đất là vậy, với vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên ban tặng, di tích lịch sử để lại, giá trị văn hóa dân gian bao thế hệ gìn giữ từ dân ca, dân vũ, ẩm thực, hoặc cả những giá trị văn hóa mới cùng tình cảm chân chất, nụ cười hồn hậu, thăm hỏi thân tình của người dân. Không chỉ những người con sinh ra và trưởng thành ở mỗi vùng quê mới háo hức trở về trong mỗi dịp lễ, tết để được rôm rả kể lại những năm tháng tuổi thơ lưu dấu bao kỷ niệm, ở đó có cha mẹ, anh chị em, nghĩa tình họ mạc, làng xóm, bạn bè; mà còn là sự phấn chấn của nhiều người từng có dịp đi qua vùng đất ấy muốn được quay trở lại trải nghiệm, thưởng thức.

Hồn quê ấm áp cộng với những món ăn nhẹ nhàng nhưng rất đặc trưng sẽ cuốn hút, níu giữ bè bạn, đồng nghiệp và cả du khách mỗi dịp nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ dài ngày. 

CHÂU XUYÊN