Như nhiều bà mẹ ở những vùng quê xa, mẹ của anh Mai Nam Thắng không muốn ra Hà Nội ở với con trai. Bà nói, ở cực quen rồi, mà sao có thể rời được quê cha đất tổ, xa được họ hàng, làng nước. Đợt lũ lớn mấy năm trước, người em trai của anh Thắng, khi ấy làm Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa trên đường đi kiểm tra việc cứu giúp dân ghé xuồng thăm nhà. Từ xa, anh thấy mẹ mình ngồi trên nóc nhà, cười và vẫy bảo anh cứ đi đi, đừng lo cho mẹ...
Mỗi mùa bão lũ, câu chuyện về người mẹ Quảng Bình lại thêm những trang mới, vất vả, âu lo mà kiên cường. Anh Thắng bảo rằng, quê anh, người mạ, người chị nào cũng vậy, ai cũng quen sống và chủ động đương đầu trước mưa lũ hay nắng hạn.
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn
Những ngày qua, từ Quảng Trị, Chính trị viên Ban CHQS huyện Triệu Phong Trần Quang Vũ cũng kể, mẹ anh ở Gio Linh nói rằng ở nhà yên ổn, cứ yên tâm lo việc đơn vị... Tin tức từ các đồng đội tôi ở Hà Tĩnh, Nghệ An cũng báo những câu chuyện tương tự. Ở Hà Nội, sau những bản tin thời sự là tiếng loa phường hay tiếng loa nhà ai đó bật lên bài hát “Quảng Bình quê ta ơi”, rồi “Chào em cô gái Lam Hồng”, “Bình Trị Thiên khói lửa”... Tiếng hát theo các đoàn xe chở hàng cứu trợ đi về miền Trung. Tiếng hát gợi về miền đất lửa anh hùng trong chiến tranh tàn khốc. Tiếng hát gợi lại trong tôi những gương mặt, những hình ảnh thân thương của các bọ mạ Quảng Bình, những o giá Nghệ Tĩnh, Vĩnh Linh, Khe Sanh, Hướng Hóa...
Vì sao có sự tích về mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc, về các cô gái hang Lèn Hà, các cô gái Huế ở miền Trung hay Lam Hạ phía Bắc, Củ Chi, U Minh, Năm Căn phía Nam..., trên dải đất Việt Nam đâu cũng có những câu chuyện huyền thoại bi hùng về những người con gái? Tất cả đều “hiển thánh” bay lên từ hương hoa đằm thắm, kiên trung rất mực đảm đang, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam bình dị. Hơn ai hết, họ là những người đầu tiên và sau cùng gánh chịu nỗi đau xa cách, hy sinh. Họ nhường nhịn và dấn thân để ấp ủ, vun trồng những giấc mơ cho chồng, con, họ luôn có mặt để chung lo gánh vác việc làng, việc nước.
Các làng quê Việt Nam những năm tháng vắng bóng đàn ông, trai tráng. Họ phải đến những miền đất xa xôi, những khu công nghiệp, những chân trời kiếm sống, học hành. Tiếp tục lần hồi một nắng hai sương với đồng đất số đông vẫn là phụ nữ. Giúp việc xóm giềng, hội làng đa phần vẫn là họ. Liền chị trong làng quan họ, lớp học truyền dạy ca trù, chầu văn, hát xẩm, ví dặm hay hò Huế... trước hết vẫn là các bà, các chị.
Thời mới bây giờ, ở những xưởng may, xưởng chế biến thủy sản là hàng ngàn, hàng vạn chị em. Trên thương trường, chốn học hành, nghiên cứu hay trên các cương vị lãnh đạo đâu đâu cũng có những người phụ nữ Việt Nam đứng ở tuyến đầu. Chúng ta phải tự vấn, phải chăm lo nhiều hơn nữa để thực sự có được quyền bình đẳng, sự tiến bộ vươn lên của phụ nữ trong xã hội. Chúng ta sẽ phải gia cố những móng nền xã hội để người phụ nữ Việt Nam tiếp tục có chỗ đứng vững vàng trong những mũi nhọn của cuộc sống. Và chúng ta tin rằng, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, ở bất cứ đâu, chúng ta cũng có chỗ dựa tin cậy và bền lâu của người phụ nữ Việt Nam.
Nhưng trước hết, trên Tổ quốc bao la chúng ta luôn có những người mẹ, người chị, người em giữ gìn, nuôi dưỡng hồn đất, hồn quê.
MẠNH HÙNG