Nếu chỉ nghe đến đây hẳn nhiều người bức xúc. Chính anh cũng cho rằng: “Nghe có vẻ lạ lùng quá đúng không? Chẳng ai lại đi ước cái điều vớ vẩn ấy”. Nhưng thực ra anh bạn tôi có lý của riêng mình. Anh nói rằng, khi dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng, liên tục có khách đòi hủy tour, cả ở những tuyến điểm không phải thành phố này, họ đòi công ty hoàn trả tiền vì không thể đi du lịch vì dịch. Là người làm dịch vụ, công ty anh phải đặt cọc và thanh toán trước với các đối tác, khi chưa có quyết định chính thức của chính quyền, nếu báo hủy, các đối tác sẽ phạt công ty của anh... Chưa bàn đến đúng sai, nhưng qua câu chuyện của bạn tôi, thấy rõ ràng các doanh nghiệp du lịch đang lúng túng. Họ không biết nên làm thế nào cho hợp tình, hợp lý bởi yêu cầu hoàn, hủy tour của khách ở một khía cạnh nhất định cũng là chính đáng.

 Ngay sau khi có bệnh nhân nhiễm Covid-19 trở về từ Đà Nẵng tại ngõ 466 Thụy Khuê, Hà Nội nhanh chóng phong tỏa khu vực này. Ảnh: TTXVN

Tương tự với công ty du lịch, hiện nay những người đi du lịch và đã đặt tour du lịch nội địa hoàn toàn không biết nên làm thế nào để giữ an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng trong và sau mỗi chuyến đi. Hiện Đà Nẵng là một điểm nóng, và những người đã đi du lịch Đà Nẵng về đều hồi hộp không biết “điều không may” rồi sẽ đến với ai. Ngay trong ngày 29-7, Hà Nội cũng phải phong tỏa một số địa điểm vì có người nghi nhiễm Covid-19, trong đó có những người đã tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa vừa trở về từ Đà Nẵng. Như vậy, khi đi du lịch, du khách đã yên tâm rằng dịch bệnh được kiểm soát để thoải mái tận hưởng chuyến đi của mình. Khi về Hà Nội, họ tham gia cuộc sống, sinh hoạt bình thường, đi nhiều nơi, gặp nhiều người trước khi xuất hiện ca bệnh số 416. Ở một góc độ khác, nhiều người chưa kịp thực hiện kế hoạch nghỉ của gia đình lại phân vân không biết có nên tiếp tục những chuyến hành trình đã đặt trước hay không, nếu đi du lịch thì nên đến đâu, những tình huống có thể phát sinh là gì và làm thế nào để giữ an toàn?...

Giữa lúc cả du khách và doanh nghiệp du lịch đều đang loay hoay với quá nhiều băn khoăn như vậy, họ rất cần sự nhanh chóng vào cuộc, giúp đỡ, hướng dẫn của các cơ quan chức năng như Tổng cục Du lịch-cơ quan phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với mục đích kích cầu du lịch nội địa. Nếu phát động chương trình kích cầu du lịch, có lẽ cơ quan này đã lường trước các tình huống phát sinh và tính đến những phương án hỗ trợ du khách, doanh nghiệp khi dịch bệnh quay trở lại. Vậy phương án dự phòng được triển khai như thế nào cũng là điều cơ quan chủ quản ngành cần sớm công bố và triển khai, chứ không phải như cách mà dư luận thấy tổng cục này “bình tĩnh” cùng với Công ty TNHH Truyền thông JMA toàn cầu (Jessica Minh Anh) tổ chức một lễ ký thỏa thuận hợp tác để quảng bá điểm đến, sản phẩm, dịch vụ của du lịch Việt Nam. Nhiều người cho rằng Tổng cục Du lịch nên tập trung toàn lực cho “trận chiến lớn hơn” đang ở trước mắt.

Qua sự việc này có thể thấy rằng, không riêng gì Tổng cục Du lịch, có lẽ các cơ quan quản lý nói chung cũng cần linh hoạt, chuyên nghiệp hơn để thích ứng với những thay đổi của hoàn cảnh, những biến cố xảy ra. Để có được những hành động và quyết sách hợp tình, hợp lý, các cơ quan quản lý cần học cách phản ứng nhanh với mọi tình huống, học cách hòa mình vào hơi thở của cuộc sống, đồng cảm với người dân, cộng đồng và cảnh huống của xã hội.  

HUY AN