Sự kiện này đã góp phần thúc đẩy mục tiêu, quyết tâm của Chính phủ phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm sạch phục vụ nhân dân và xuất khẩu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN.
Ở phía Nam, Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Trong 5 năm qua, năng suất, giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi áp dụng công nghệ cao của tỉnh tăng hơn 30%, giúp tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Là "láng giềng" của Lâm Đồng, Bình Phước cũng đã triển khai đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Để đạt hiệu quả bền vững, Bình Phước đã thành lập Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao, giúp tỉnh chỉ đạo, tổ chức phát triển lĩnh vực sản xuất mới mẻ và cấp thiết này.
Kinh nghiệm từ những địa phương bước đầu thành công với mô hình này cho thấy, để làm nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi người sản xuất phải đáp ứng đồng bộ nhiều tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là vốn và nguồn nhân lực. Mức đầu tư cho công nghệ cao tốn kém gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống. Chẳng hạn ở Đà Lạt, 1ha nhà kính trồng rau phải cần từ 1,5-2 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, nông nghiệp công nghệ cao cần có đội ngũ kỹ sư, chuyên gia, người sản xuất có kiến thức, kinh nghiệm, nhiệt huyết... Thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp và người nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao gặp rất nhiều khó khăn về vốn và kỹ thuật. Họ khó tiếp cận nguồn vốn ở các tổ chức tín dụng. Nhiều doanh nghiệp phải cầm cố quyền sử dụng đất để vay vốn, nhưng tài sản gắn liền với quá trình sản xuất nông nghiệp thì lại không được tính. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần hạn chế được rủi ro khách quan về thiên tai, dịch bệnh. Nhưng rủi ro về giá cả, đầu ra sản phẩm đang là nỗi lo lắng, băn khoăn của nông dân và doanh nghiệp.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang là xu thế phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng bức thiết của người tiêu dùng, đó là năng suất, chất lượng và an toàn. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần sự vào cuộc đồng bộ của "bốn nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông). Về phía Nhà nước, Chính phủ đã cam kết ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai, vốn… để khởi động, xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp cho đất nước trong tương lai. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nâng gói tín dụng hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng, nhằm tháo gỡ những khó khăn về vốn.
Nông nghiệp công nghệ cao là nền sản xuất nông nghiệp áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất, với sự tích hợp của nhiều ngành từ điện tử, tin học, công nghệ sinh học đến chế biến, bảo quản... Người nông dân với vai trò là chủ thể của phát triển nông nghiệp cần được đầu tư tập huấn, đào tạo, đổi mới, nâng cao tư duy và trình độ sản xuất.
Tính cấp thiết phải gắn liền với đòi hỏi tất yếu về tính hiệu quả. Các địa phương đang có đề án phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần có quá trình chuẩn bị chu đáo, hội tụ các yếu tố cần và đủ, không nên nóng vội triển khai ồ ạt. Việc quy hoạch sản xuất thiếu khoa học dẫn đến tình trạng "được mùa, mất giá, bí đầu ra" của sản phẩm nông nghiệp đang là bài học nhãn tiền...
HUY VÕ