Lo vì người bệnh cần máu sẽ có đủ lượng máu để truyền nữa không, bởi không thể có gì thay thế cho máu người, và chỉ có máu của người cho người. Đáng suy nghĩ vì nhiều lý do nhưng mong sao điều lo lắng sẽ không còn lặp lại. Bài toán ấy chỉ có thể được giải quyết trọn vẹn nhờ sự chung tay của cả cộng động.

Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó chủ tịch nước và các đại biểu thăm và động viên người hiến máu tại Lễ hội Xuân hồng lần thứ 12.

Những ngày thiếu máu căng thẳng đã qua khi mà các bệnh viện dùng nhiều biện pháp tạm thời, trong đó có cả kêu gọi hiến máu tình nguyện từ chính đội ngũ thầy thuốc để có đủ lượng máu cần thiết. Liền ngay sau đó, Ngày Hội hiến máu tình nguyện-Lễ hội Xuân hồng 2019 được tổ chức tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố, trong đó cao điểm nhất diễn ra trong hai ngày 23 và 24-2 để có đủ lượng máu cần thiết phục vụ người bệnh. Trung bình mỗi ngày Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cần khoảng 1.500 đơn vị máu để cung cấp cho nhu cầu cấp cứu và điều trị tại 180 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội và 26 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Trong Lễ hội Xuân hồng lần thứ 12 này, đã có hàng nghìn người, trong đó phần lớn là các bạn trẻ đăng ký và đến tình nguyện hiến máu. Các bạn trẻ ấy là ai? Họ là những học sinh, sinh viên, công chức, công nhân, lao động tự do... và có cả những người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam. Có những người lần đầu đi hiến máu, nhưng rất nhiều trong số đó đã từng đi hiến máu. Có cả những người đã hàng chục lần tình nguyện đi hiến máu. Họ hiến máu vì nhận thấy đó là nghĩa cử cao đẹp nhất của con người, bởi hiến máu là để cứu người. Họ hiến máu vì muốn người khác được sống, giọt máu của họ có ý nghĩa, nó không chỉ lan tỏa, nuôi dưỡng cơ thể sống của chính họ, mà giờ đây nó còn được lan tỏa, giành lại sự sống cho nhiều người. Cho đi là để nhận lại, đúng như một nhà thơ từng viết dặn con: “Lòng tốt gửi vào thiên hạ/Biết đâu nuôi bố sau này”. 

Ở một khía cạnh khác, hàng nghìn bạn trẻ đi hiến máu tình nguyện cùng với nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ với cộng đồng, họ còn là những người đã hiểu được những nguyên lý khoa học về sự sống. Việc hiến một lượng máu trong cơ thể (một đơn vị máu (250ml), hoặc nhiều hơn) không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Theo các tài liệu của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, hiến máu không chỉ cứu sống được người nhận mà còn có ích đối với cả người cho. Trong các tế bào hồng cầu chứa 70% sắt trong cơ thể con người. Hầu hết mọi người có thừa sắt trong máu của mình, thừa nhiều có hại hơn lợi. Khi cho máu ta loại bỏ được một lượng sắt dư thừa tích lũy trong cơ thể và cơ thể nhanh chóng sản sinh ra lượng máu bù đắp. Đó là những lý do, tất cả những ai đủ sức khỏe, đủ điều kiện đều có thể hiến máu, nên đi hiến máu và có thể hiến máu nhiều lần. Các bác sĩ tính toán, nếu một người hiến máu nhắc lại một lần mỗi năm thì sẽ giảm đáng kể tình trạng khan hiếm máu, góp phần bảo đảm tính bền vững của phong trào hiến máu tình nguyện. Cộng đồng luôn luôn ghi nhận việc làm tốt đẹp của người đã từng hiến máu.

Sau hơn 20 năm phong trào hiến máu tình nguyện được phát động, số người và lượng máu hiến được luôn tăng mạnh theo từng năm. Quan niệm về hiến máu những ngày đầu năm với mọi người đã dần được thay đổi. Từ chỗ người ta còn ngại ngần thì nay nhiều người quan niệm cho máu là làm việc tốt, cả năm sẽ an lành. Vấn đề quan trọng nhất là chuyển biến nhận thức, ý thức và hành động của toàn xã hội để hiến máu tình nguyện trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ; để mỗi dịp lễ, tết, các bệnh viện không còn nỗi lo thiếu máu cấp cứu và điều trị người bệnh.

NGUYỄN TUẤN