Nếu hình dung quốc gia như là một gia đình mở rộng thì mỗi lần “nhà có việc”, không ai bảo ai, từ nhà lãnh đạo đến người dân bình thường đều ra sức làm tốt vai trò chủ nhà, cố gắng tiếp đón chu đáo và tiếp đãi một cách thịnh tình, dành cho khách các tiện nghi tốt nhất, các đồ ăn ngon nhất. Mấy ngày vừa qua, bạn bè năm châu chứng kiến nỗ lực của Việt Nam tổ chức trang trọng, chu đáo, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai. Người dân Hà Nội đại diện cho nhân dân cả nước trở thành những chủ nhà thân thiện, mến khách. Ý thức được tầm quan trọng của sự kiện, chính quyền Hà Nội kêu gọi mỗi người dân Thủ đô hãy trở thành một đại sứ du lịch, thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử nơi công cộng, xứng đáng là người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Thật cảm động với hình ảnh người bán nước trà vỉa hè đối diện khách sạn Melia trên phố Lý Thường Kiệt, không có khách như thường ngày nhưng vẫn mở quán, mời trà nước miễn phí cho phóng viên nước ngoài tác nghiệp bên ngoài khách sạn. Chỉ một hành động nhỏ trong vô vàn những cử chỉ đẹp, cách ứng xử khéo léo của chính quyền và người dân Thủ đô vừa qua đã làm đẹp lòng nhiều “khách VIP”, đưa hình ảnh và câu chuyện về Việt Nam là điểm đến thú vị, an toàn lan tỏa khắp nơi trên thế giới.

Hà Nội được trang hoàng cờ hoa rực rỡ trong những ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai. Ảnh minh họa: TTXVN.

Vậy khi sự kiện lớn qua đi, sự thân thiện, gần gũi liệu có giảm sút? Những nhà nghiên cứu văn hóa lâu nay cũng chỉ ra người Việt Nam bên cạnh tính xởi lởi, thích giao tiếp lại có đặc tính ngược lại là hơi rụt rè. Thường sự thân mật gần gũi chỉ tồn tại trong phạm vi của cộng đồng quen thuộc, nơi tính cộng đồng ngự trị. Còn khi vượt qua khỏi phạm vi cộng đồng, trước những người lạ, nơi tính tự trị trỗi dậy thì người Việt Nam lại khá e ngại. Hai mặt tính cách đối lập nói trên là do môi trường, hoàn cảnh khác nhau tác động. Nhược điểm kể trên không thể một sớm một chiều khắc phục, mỗi cá nhân cần kiên trì học tập, rèn luyện giao tiếp trong nhà trường, gia đình, xã hội để càng cởi mở, thân thiện hơn. Trong thời buổi toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng, học tập để vững chuyên môn là điều tất nhiên, nhưng học giao tiếp, ứng xử văn minh nơi công cộng cũng hết sức cần thiết, là một kỹ năng mềm không thể bỏ qua. 

Tin vui cho ngành du lịch Việt Nam là tháng 2-2019 trở thành tháng đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay, ước tính đạt 1,588 triệu lượt người, tăng 5,8% so với tháng trước. Yếu tố hiếu khách, thân thiện của người dân Việt Nam tiếp tục bảo đảm giúp ngành du lịch phát triển bền vững. Sự hiếu khách, thân thiện không mất tiền mua, đều sẵn có trong mỗi người như một vốn quý vô hình. Luôn có ý thức phát huy điều tích cực, làm tốt từ mỗi hành vi, cử chỉ nhỏ, như nở nụ cười thân thiện với du khách nước ngoài là điều nên làm và cần được khuyến khích. Một hành động nhỏ, thậm chí là rất nhỏ, nhưng giá trị mang lại thì lớn rất nhiều.

TRẦN HOÀNG HOÀNG