 |
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Nhận thức được tầm quan trọng của kỷ luật-một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến tính thống nhất và sức mạnh của quân đội nên công tác rèn luyện kỷ luật luôn được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đặc biệt quan tâm chú trọng. Kỷ luật quân đội được duy trì nghiêm túc, chặt chẽ; tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ đều tự giác chấp hành, trở thành sức mạnh nội sinh trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở từng cơ quan, đơn vị và toàn quân. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng quân đội và những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện bộ đội đang đặt ra những yêu cầu mới đối với cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Người trước, súng sau”. Lời dạy của Bác cho thấy yếu tố con người là quan trọng nhất, tiếp đó mới là vũ khí, trang bị kỹ thuật. Hiện nay, Quân đội ta đang được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, nên yếu tố con người càng phải được coi trọng. Quân đội chỉ mạnh khi từng quân nhân tự đưa mình vào khuôn khổ, tự giác chấp hành nghiêm kỷ luật, sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ. Bởi vậy, cần phải tiếp tục tăng cường, nâng cao một bước chất lượng công tác rèn luyện kỷ luật cho mỗi cán bộ, chiến sĩ. Trước hết, vẫn phải coi trọng công tác giáo dục, quán triệt, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức của bộ đội về công tác rèn luyện kỷ luật. Tiếp đó, cán bộ các cấp cần duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp công tác, bảo đảm “giờ nào việc ấy”, vừa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, vừa để quản lý tốt bộ đội. Cùng với đó, phải đặc biệt coi trọng công tác nắm, quản lý, giải quyết tốt tư tưởng bộ đội, không để bị động, bất ngờ trong mặt công tác này. Để làm tốt công tác tư tưởng cho bộ đội, đòi hỏi cán bộ các cấp phải thực sự gần gũi, sâu sát, quan tâm, chia sẻ với cấp dưới; phải có trình độ của người thầy, sự thương yêu của người anh, sự gần gũi như người bạn với cấp dưới, giúp họ dễ dàng bộc lộ, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng hay những vướng mắc của bản thân. Ngoài ra, cần duy trì thường xuyên, chặt chẽ mối liên hệ giữa đơn vị với gia đình và địa phương để làm tốt công tác quản lý bộ đội; đồng thời xây dựng đơn vị có đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, có không khí cởi mở, dân chủ, để bộ đội thực sự yêu mến, gắn bó với đơn vị và đoàn kết, thương yêu, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống. Để “kỷ luật quân đội” thực sự là “kỷ luật thép”, các cấp ủy, chỉ huy đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với những sai phạm của các tập thể, cá nhân trong chấp hành kỷ luật; đồng thời động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhân rộng điển hình tiên tiến trong các cơ quan, đơn vị.
PHẠM HOÀNG HÀ