Một quốc gia dân tộc muốn hướng tới phồn vinh, hưng thịnh thì không thể không quan tâm coi trọng sử dụng, bồi dưỡng, phát huy và đãi ngộ thỏa đáng với nhân tài. Một tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp muốn bứt phá đi lên thì không thể không chú trọng chăm lo những cá nhân có trí tuệ, năng lực nổi trội.

Nhận thức điều đó, nhiều năm qua, không ít địa phương, cơ quan, doanh nghiệp đã tìm kiếm, “săn đón” nhân tài với những chính sách “trải chiếu hoa”, “trải thảm đỏ” đầy hấp dẫn. Ví như có địa phương công bố hỗ trợ lần đầu dăm bảy trăm triệu đồng để thu hút những chuyên gia, nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa giỏi về địa phương công tác; hay tuyển thẳng sinh viên thủ khoa, sinh viên xuất sắc vào làm việc tại các cơ quan trong bộ máy công quyền. Có doanh nghiệp sẵn sàng chi phí vài trăm nghìn USD để thuê chuyên gia, doanh nhân uy tín về làm tư vấn hay ngồi vào vị trí CEO (giám đốc điều hành). Nhiều trường đại học tư thục cũng không ngại ngần chi trả tiền lương vài chục triệu đồng mỗi tháng để mời gọi các giảng viên ưu tú về giảng dạy tại cơ sở giáo dục của mình. Nói thế để thấy, tìm nhân tài, thu hút chất xám là xu hướng chung của thời đại văn minh trí tuệ, chứ đâu phải việc riêng của một vài tổ chức.

Ảnh minh họa/TTXVN.

Tuy vậy thời gian qua, khi đưa ra chính sách thu hút nhân tài, nhiều địa phương thường chỉ tập trung vào khía cạnh đãi ngộ, như: Số tiền hỗ trợ lần đầu cao; tiền lương hấp dẫn; cơ hội bảo đảm về đất ở, nhà ở tốt; điều kiện làm việc ổn định lâu dài… Đúng là đãi ngộ vật chất rất quan trọng, nhưng chưa hẳn và chưa phải bao giờ cũng đóng vai trò quyết định trong việc “giữ chân” nhân tài. Vì đã xảy ra không ít trường hợp nhân tài về địa phương công tác một thời gian rồi lại lặng lẽ ra đi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là môi trường làm việc không phù hợp với tâm lý, năng lực, sở trường của nhân tài.

Với nhiều nhân tài, làm việc không đơn thuần chỉ là tiền lương cao, thu nhập ổn định, mà họ cần phải có môi trường thuận lợi để được cống hiến tài năng, công sức của mình. Đó là môi trường làm việc có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm để họ có điều kiện nghiên cứu, thực hành, ứng dụng các công trình, sản phẩm của mình vào thực tiễn đời sống và sản xuất. Đó là môi trường ứng xử dân chủ, nhân văn, thân thiện để họ được thỏa niềm đam mê sáng tạo mà không bị bất cứ sức ép, lực cản vô hình nào. Đó là môi trường khoa học mà cái đúng, cái mới được đề cao, khuyến khích; cái sai, cái bảo thủ, lạc hậu phải được đẩy lùi. Thực tế cho thấy, đôi khi cá tính sáng tạo của nhân tài không hẳn bao giờ cũng trùng khớp với nhận thức của số đông và người đứng đầu, do vậy tập thể và cán bộ lãnh đạo, quản lý rất nên thể hiện thái độ cảm thông, chia sẻ điều đó để hướng tới mục đích cao nhất là động viên, khích lệ nhân tài phát huy tối đa tiềm năng, năng lực của mình phục vụ sự nghiệp, lợi ích chung.

“Giữ chân” nhân tài vừa là một khoa học, vừa là một nghệ thuật. Khoa học là ở chỗ đánh giá đúng tiềm năng, khả năng đóng góp, mức độ cống hiến của nhân tài. Nghệ thuật là biết ứng xử chân thành, khéo léo, tinh tế với nhân tài. Khi tập thể lãnh đạo và người đứng đầu thật sự công tâm, nhân văn trong tiếp nhận, sử dụng, phát huy và đối đãi nhân tài thì đó là cơ sở bảo đảm chắc chắn cho nhân tài gắn bó thủy chung với địa phương, tổ chức, cơ quan mình. Mặt khác, bản thân mỗi nhân tài cũng nên chú trọng rèn luyện và thể hiện hài hòa giữa tài năng và đạo đức, giữa mục tiêu phấn đấu của cá nhân và khát vọng cống hiến cho tập thể. Chỉ có như vậy, nhân tài mới đi vào lòng người và tỏa sáng. 

THIỆN VĂN