Dù mục đích của ý tưởng này, theo giải thích của lãnh đạo doanh nghiệp là để mua vui cho cán bộ, công nhân viên khi công ty đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, nhưng hậu quả thì nó trở thành một hành vi phản cảm, bị dư luận xã hội chỉ trích, lên án gay gắt.
Trước đó, khá nhiều hình ảnh, video clip lan truyền trên không gian mạng về những cuộc thi do một số hội, đoàn ở cơ sở tổ chức nhân các chuyến du lịch, dã ngoại… cũng bị dư luận truyền thông chỉ trích dữ dội vì sự phản cảm. Để tăng độ hấp dẫn cho sân chơi, một số người đã nghĩ ra những cách thức thi đấu kỳ quặc như: Bịt mắt, tìm ăn trái cây trên cơ thể phụ nữ; uống sữa đựng trong bình trên nách phụ nữ, v.v... Không chỉ ở những sân chơi tầm phào, ngay cả sóng truyền hình quốc gia cũng lắm phen lao đao khi một số nghệ sĩ bộc phát thực hiện những hành vi nằm ngoài kịch bản. Màn cầu hôn bạn gái của một nam diễn viên hài trong một chương trình giải trí phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia mới đây là một ví dụ…
Có rất nhiều dẫn chứng khiến cho ban tổ chức và công chúng khóc dở, mếu dở xuất phát từ hành động thiếu suy nghĩ của một số người. Khi bị dư luận phê bình, chỉ trích, lời giải thích thường gặp nhất từ những người trong cuộc, đó là hành động… ngẫu hứng.
 |
Ảnh minh họa/ TTXVN. |
Ngẫu hứng là trạng thái cảm xúc thường được nhắc đến rất nhiều trong đời sống văn hóa, môi trường nghệ thuật. Đó là những suy nghĩ, hành động không có sự chuẩn bị từ trước, nó đến một cách ngẫu nhiên, tự phát trong hành trình lao động, sáng tạo, sinh hoạt, giải trí. Ở phương diện tích cực, những khoảnh khắc ngẫu hứng chính là chất men giúp người ta thăng hoa, tạo nên bước đột phá trong hoạt động sáng tạo, làm nên những dấu ấn, thành công bất ngờ. Tuy nhiên, cũng vì nó là trạng thái cảm xúc bột phát nên trong nhiều trường hợp, những hành động ngẫu hứng quá đà có thể phá hỏng cả một sự kiện, gây phản cảm, tác hại khôn lường.
Trong không gian mạng hiện nay, bất cứ một hành vi nào, dù là nhỏ nhất cũng có thể trở thành đề tài của truyền thông và mạng xã hội. Cái hay, cái đẹp được quảng bá tích cực, nhưng những hành vi phản cảm cũng ngay lập tức bị lan truyền, chỉ trích gay gắt. Trên thực tế, có không ít trường hợp lợi dụng đặc điểm này cố tình tạo scandal gây sự tò mò, chú ý của công chúng nhằm đánh bóng tên tuổi, quảng bá hình ảnh. Tuy nhiên, những chiêu trò ấy là "lợi bất cập hại". Công chúng truyền thông ngày càng thông minh, sáng suốt, họ không dễ dàng bị “dắt mũi” bởi những chiêu trò ấy. Khi sự thật phơi bày, hình ảnh, thương hiệu được tạo dựng bởi scandal lập tức “chết yểu”.
Ngẫu hứng, suy cho cùng là một hành vi văn hóa. Nó chỉ phát huy tác dụng khi hành vi ấy là sự thăng hoa dựa trên trường văn hóa đã được xác định. Trượt khỏi hoặc đi ngược lại cái trường văn hóa ấy, nó sẽ rơi vào sự lố bịch, trơ trẽn, phản tác dụng.
Thế nên, ngay cả những lúc thăng hoa, ngẫu hứng, người trong cuộc vẫn luôn phải tỉnh táo, cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định. Các cụ ta xưa đã dạy phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói là vì thế.
PHAN TÙNG SƠN