 |
Ảnh minh họa. |
Thấy các đồng chí bộ đội quân phục chỉnh tề, tác phong chững chạc, nghiêm túc và thân thiện giúp đỡ người già, trẻ nhỏ… mọi người cứ tấm tắc: “Đúng là bộ đội có khác”. Và theo một lẽ tự nhiên, những câu chuyện về chủ đề kỷ luật quân đội và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được mọi người rôm rả luận bàn.
Nói đến bộ đội là người ta nghĩ ngay đến những cán bộ, chiến sĩ không chỉ có phẩm chất chính trị vững vàng, kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân mà còn là những người sống rất kỷ cương, trách nhiệm, nghĩa tình. Bởi thế, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ được mọi người nhắc đến với sự trân trọng, quý mến. Những phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ được xây dựng, vun đắp từ gần 75 năm qua cùng với sự ra đời, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta. Và với những phẩm chất tốt đẹp đó, bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, làm nên những chiến công hiển hách trong những cuộc chiến tranh vệ quốc cũng như mỗi khi đất nước có thiên tai, hỏa hoạn... Hầu như tất cả người dân Việt Nam, dù ở cương vị nào, hoàn cảnh nào, khi nhắc lại những kỷ niệm đẹp nhất của mình, đều tự hào nhắc lại những năm tháng được sống, chiến đấu, gắn bó với quân đội, hoặc cùng tham gia các hoạt động, cùng thực hiện nhiệm vụ với các chiến sĩ.
Ngày nay, phẩm chất cao quý, nét đẹp Bộ đội Cụ Hồ được cán bộ, chiến sĩ toàn quân tiếp tục phát huy trong điều kiện mới với rất nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa, thể hiện sự tiên phong gương mẫu đi đầu trên nhiều lĩnh vực, nhiệm vụ, nhất là về thực hiện nếp sống văn hóa và phẩm chất đạo đức, lối sống, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, nhân dân rất ấn tượng trước ý thức tự giác chấp hành kỷ luật, tác phong và ứng xử chuẩn mực, lối sống trung thực, gần gũi, sẵn sàng giúp đỡ nhân dân của Bộ đội Cụ Hồ. Thực tế cho thấy, phẩm chất, nét đẹp văn hóa Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành mẫu mực, là điểm sáng, là tấm gương trong phong trào xây dựng môi trường, nếp sống văn hóa ở các cơ quan, địa phương trong cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều kết quả đã đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, ở đâu đó vẫn còn số ít quân nhân chưa thực sự tự giác chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước, nhất là những thời điểm ở bên ngoài doanh trại (về nghỉ lễ, tết, khi đi công tác...). Việc một số quân nhân mắc sai phạm từ lễ tiết, tác phong, chấp hành không đúng luật lệ giao thông, hoặc uống rượu bia say, tham gia vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… đã như "con sâu bỏ rầu nồi canh", làm ảnh hưởng đến nét đẹp, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.
Danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ là tài sản văn hóa tinh thần vô giá do nhân dân yêu mến trao tặng, gửi gắm niềm tin, sự ngưỡng mộ đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội ta. Để giữ vững và phát huy nét đẹp quân nhân, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, làm cho “tấm gương sáng” ấy tiếp tục tỏa sáng, trước hết cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác giáo dục, rèn luyện các quân nhân thuộc quyền. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phải nhận thức rõ giá trị, ý nghĩa danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ để từ đó đề cao trách nhiệm bản thân, không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện và tự giác giữ gìn phẩm chất, tư cách, danh dự ở mọi lúc, mọi nơi, từ những việc nhỏ nhất; không để xảy ra những sai lầm, sơ suất làm ảnh hưởng tới nét đẹp quân nhân.
LÊ DUY HỒNG