QĐND - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã và đang triển khai việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Đây là việc làm cần thiết, nhưng dư luận không khỏi băn khoăn rằng, trong những tiết học ấy, các em học cái gì, học như thế nào cho thiết thực và hiệu quả? Mặc dù, Bộ GD&ĐT đã biên soạn 4 cuốn tài liệu lồng ghép, tích hợp nội dung PCTN dùng cho các cấp học từ trung học phổ thông (THPT) đến đại học và tổ chức thí điểm giảng dạy ở 8 trường THPT và 4 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp,... thế nhưng khi triển khai vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.
 |
Ảnh minh họa.
|
Muốn giảng dạy tốt nội dung PCTN đòi hỏi người giáo viên phải có kiến thức nhất định về luật pháp. Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, nội dung PCTN được lồng ghép vào môn Giáo dục công dân, thế nhưng đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học này hiện nay phần lớn không được đào tạo kiến thức nền về pháp luật. Đây là một trong những khó khăn, trở ngại ảnh hưởng trực tiếp đến việc giảng dạy nội dung PCTN cho học sinh. Nhiều giáo viên bày tỏ sự lo ngại, lúng túng trong việc chọn lọc tư liệu, lấy dẫn chứng những vụ án tham nhũng điển hình để minh họa cho bài giảng. Bởi lẽ nếu giảng qua loa, đại khái, không lấy ví dụ, dẫn chứng thì học sinh không hiểu, không thấy hết ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCTN, nhưng nếu đi vào quá cặn kẽ, cụ thể thì dễ khiến học sinh hoang mang, lo lắng trước tình hình tham nhũng của đất nước. PCTN là nội dung mới cùng với nhiều nội dung khác trước đó đã được lồng ghép, tích hợp vào môn Giáo dục công dân, do đó nếu không được quán triệt, giáo dục tốt rất dễ dẫn đến tư tưởng xem nhẹ...
Để thực hiện tốt việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp. Nhưng trước hết phải làm cho các em học sinh hiểu rõ về vị trí, ý nghĩa của môn học, xây dựng cho các em thái độ, động cơ, ý thức học tập đúng đắn. Mặt khác, chúng ta đều biết ngành nào, lĩnh vực nào muốn hoạt động hiệu quả đều phải quan tâm đến đối tượng phục vụ, mục tiêu hướng tới. Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, người giáo viên càng phải hiểu đối tượng của mình để tổ chức các hoạt động dạy học sao cho phù hợp, hiệu quả. Nếu không hiểu và không bám sát được học sinh thì mọi hoạt động giảng dạy và giáo dục sẽ trở nên kinh viện xa rời thực tiễn. PCTN là nội dung có tính đặc thù cao. Trong khi đó đối tượng học sinh tuổi đời còn trẻ, va chạm xã hội chưa nhiều, vốn sống ít, kiến thức luật hạn chế... Đây là những đặc điểm mà ngành giáo dục, nhất là các giáo viên được phân công giảng dạy nội dung PCTN cần chú ý để biên soạn nội dung, lựa chọn phương pháp dạy học sao cho phù hợp với tâm lý lứa tuổi, khả năng tiếp thu của học sinh... Hằng năm, những giáo viên giảng dạy nội dung PCTN cần được tập huấn, bồi dưỡng, nhất là về phương pháp và kỹ năng sư phạm.
Hiện nay, ngành giáo dục đang thực hiện kế hoạch đổi mới chương trình, tài liệu, sách giáo khoa phù hợp với từng cấp học, do đó việc lồng ghép, tích hợp nội dung PCTN vào chương trình giảng dạy như thế nào cũng là điều cần tính kỹ. Đi đôi với công tác chỉ đạo, hướng dẫn, quá trình các trường đưa nội dung PCTN vào giảng dạy rất cần sự đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm của các cơ quan chức năng... Chỉ có như vậy, chủ trương đưa nội dung PCTN vào các cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho học sinh, sinh viên - những người gánh vác tương lai của đất nước mới đem lại hiệu quả thiết thực.
KIM THANH