Bên cạnh mảng chính kinh doanh cổ phục, Ỷ Vân Hiên tích cực tổ chức nhiều sự kiện giáo dục, quảng bá cổ phong (phong tục cổ, những nét đẹp văn hóa tinh hoa thời xưa); mới nhất là phục dựng nghi lễ tiến lịch thời Lê tại Hoàng thành Thăng Long chào đón Xuân Nhâm Dần 2022.
Nguyễn Đức Lộc kể rằng, từ bé, anh đã được nhà trường và gia đình tạo điều kiện tham quan di tích văn hóa lịch sử, hòa mình vào phong tục cổ truyền ngày lễ, ngày Tết. Tình yêu văn hóa dân tộc theo anh lớn lên, trở thành niềm đam mê mãnh liệt. Nét đẹp cổ phong cũng như cơn gió thoảng qua sẽ biến mất vào hư không nếu chúng ta không gìn giữ, lưu truyền cho thế hệ mai sau. Đó là lý do vì sao anh và đội ngũ cộng sự lại tâm huyết, muốn phục dựng nghi lễ cổ xưa.
Giáo dục nét đẹp cổ phong lâu nay chỉ là những kiến thức sách vở trên ghế nhà trường mà thiếu đi tính trực quan, cụ thể, sinh động. Cũng vì thiếu hiểu biết, không nắm rõ tinh hoa cổ phong, nhiều người vô tình, vô ý xâm hại di tích, có suy nghĩ và hành động lệch lạc ứng xử với di sản văn hóa, mê tín dị đoan thực hành nghi lễ cổ phong...
 |
Lễ tiến lịch được tổ chức tại sân rồng Điện Kính Thiên. Ảnh: Baotintuc.vn |
Như chuyện mấy năm gần đây, không ít người cổ súy cho ý tưởng từ bỏ Tết truyền thống. Họ đưa ra lý do nghe rất “bùi tai” là đời sống khá lên, ngày nào ăn mặc, vui chơi chẳng như ngày Tết; nghỉ dài ngày làm thiệt hại cho nền kinh tế... Đa phần chúng ta vẫn muốn giữ gìn Tết truyền thống. Lý do đơn giản là một quốc gia nói chung cho đến một con người cụ thể đâu chỉ đơn thuần mưu cầu đầy đủ về vật chất mà còn phải nghĩ đến câu chuyện bản sắc văn hóa, đời sống tinh thần, nội tâm phong phú.
Văn hóa vốn coi trọng sự khác biệt chứ không phải là sự hơn kém. Di sản văn hóa, cụ thể là nét đẹp cổ phong biểu hiện rất rõ của sự khác biệt giữa các quốc gia, dân tộc. Đây không chỉ là câu chuyện “phú quý sinh lễ nghĩa” mà còn liên quan đến vấn đề niềm tự hào bề dày văn hóa lịch sử, nét độc đáo riêng biệt cổ phong.
Chỉ khi giữ gìn những điều cốt tử kể trên, quốc gia, dân tộc mới có thể tự tin tiến bước vào tương lai, không phải lo ngại với nguy cơ vong bản, bị văn hóa ngoại lai xâm lăng. Lịch sử chứng minh có những tộc người mất nước cả nghìn năm, lưu lạc tứ xứ; nhờ đặc trưng văn hóa, phong tục, tập quán còn lưu giữ mới có thể tập hợp nhau, để lại tên gọi trên bản đồ thế giới. Vậy nên, so sánh những lợi ích vô hình, “kho báu” mà khi nguy nan chúng ta có thể sử dụng, rõ ràng giữ gìn, lưu truyền và phát huy giá trị nét đẹp cổ phong là việc làm đúng đắn trong thời đại toàn cầu hóa.
Giáo dục nét đẹp cổ phong không cần phải hô hào hay bày vẽ ra những dự án hoành tráng vĩ mô. Mỗi gia đình trước tiên cần giữ lấy nếp nhà, gia phong cha ông để lại. Người lớn trong nhà nhất thiết phải hướng con trẻ đến những nét đẹp văn hóa truyền thống, tiếp xúc với tinh hoa cổ phong. Trẻ em lớn lên mang trong mình tình yêu cổ phong thì mới mong yêu thương người thân và gia đình, mới biết yêu đồng loại, yêu quê hương và đất nước.
Ngay lúc này, khi Tết đến, xuân về, có thể do dịch Covid-19, nhiều gia đình không thể du xuân đón Tết, tham quan di tích, tham dự lễ hội cộng đồng. Thay vào đó, quây quần bên nhau tìm hiểu nét đẹp cổ phong lưu truyền ngàn đời vào dịp Tết cổ truyền dân tộc là việc làm hết sức ý nghĩa. Thật mừng khi trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều bạn trẻ vui mừng đón Tết để được mặc cổ phục truyền thống, tham gia gói bánh chưng... Đó không chỉ là chuyện ăn mặc bình thường, mà là lưu giữ cổ phong dân tộc nghìn năm văn hiến!
HÀM ĐAN