Với sự đổi mới phương thức tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay, thí sinh được nộp hồ sơ xét tuyển tối đa vào 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành và không được rút hồ sơ. So với năm 2015, thí sinh được đăng ký vào 4 ngành trong một trường và có quyền thay đổi nguyện vọng trong đợt xét tuyển đầu tiên, thì bước đầu đây được coi là một trong những giải pháp góp phần tạo thuận lợi không chỉ cho thí sinh mà còn cả các nhà trường trong công tác xét tuyển. Thế nhưng, phương án này dễ dẫn đến không ít hiện tượng thí sinh trúng tuyển ảo.

 Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

Nếu làm một phép tính đơn giản, có thể thấy, nếu mỗi thí sinh nộp hồ sơ vào tối đa 2 trường, thì xác suất tỷ lệ thí sinh ảo sẽ chiếm một nửa so với tổng số thí sinh nộp hồ sơ và số thí sinh trúng tuyển ảo cũng gần bằng với số thí sinh trúng tuyển là hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo đa số thí sinh và phụ huynh thì việc quy định nộp hồ sơ xét tuyển năm nay tạo điều kiện cho thí sinh có cơ hội lựa chọn, giảm áp lực, tránh thiệt thòi cho các em sau khi đã cân nhắc đặt bút ghi nguyện vọng xét tuyển. Thực tế là, nếu chỉ chắc chắn với phương châm “1 chỉ chọn 1” thì cơ hội sẽ không chia đều cho các thí sinh có lực học và điểm thi không quá vượt trội có nguyện vọng vào học ở các trường được cho là tốp trên. Do vậy, xét một cách toàn diện thì việc còn tồn tại hiện tượng thí sinh ảo là có thể chấp nhận được trong công tác tuyển sinh. Và phần nào đó, việc còn tồn tại hiện tượng thí sinh ảo cũng sẽ là một kênh để đánh giá chính chất lượng, sức “hấp dẫn” từ các trường đại học đối với thí sinh.

Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để có thể giảm số lượng thí sinh ảo tới mức có thể tạo thuận lợi cho các trường, nhưng vẫn bảo đảm thuận lợi và vì quyền lợi của thí sinh? Không ít trường đã đặt ra các phương án tuyển bổ sung, phương án dự phòng để đối phó với hiện tượng thí sinh trúng tuyển ảo. Cũng không ít nhà trường đã chủ động có cách làm hay để tránh thí sinh ảo mà vẫn bảo đảm quyền lợi cho thí sinh. Chẳng hạn, các nhóm trường liên kết trong tuyển sinh, cùng kiểm soát thông tin, sử dụng chung dữ liệu xét tuyển, giúp các trường trong nhóm chủ động, tránh hiện tượng thí sinh ảo. Phương pháp này đang được đánh giá cao trong mùa tuyển sinh năm nay và là một hướng đi mà nhiều nhà trường nên cân nhắc lựa chọn.

Bên cạnh đó, các trường đại học cũng cần tìm cách “chiêu mộ” thí sinh bằng chính sức hấp dẫn từ cơ chế, từ nâng cao chất lượng đào tạo và cơ hội nghề nghiệp cho các em, giúp các em chủ động lựa chọn ngành nghề, ít phụ thuộc vào các thông tin ảo mà không có sự cân nhắc lựa chọn chắc chắn.

Khi tỷ lệ thí sinh ảo giảm một cách tự nhiên, đó sẽ là thành công trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học và giáo dục phổ thông mà cả xã hội đang kỳ vọng.

DUY VĂN