Vì vậy, vấn đề đang được dư luận quan tâm là vị trí đất sau khi các nhà máy chuyển đi sẽ được sử dụng như thế nào? Liệu tại những chỗ đất vàng đó có bị chất thêm những tòa nhà, khu chung cư khiến hạ tầng đô thị vốn đã chật chội, quá tải lại càng bị dồn gánh nặng hay không?

Không chỉ tại Hà Nội mà ở nhiều đô thị lớn trên cả nước, tình trạng quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội là căn bệnh trầm kha từ nhiều năm nay. Giao thông ùn tắc, bệnh viện không đủ chỗ cho bệnh nhân, trường học quá đông học sinh... là những hệ quả nhãn tiền từ việc dồn nén dân cư vào khu vực trung tâm đô thị.

Không chỉ tại Hà Nội mà ở nhiều đô thị lớn trên cả nước, tình trạng quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội là căn bệnh trầm kha từ nhiều năm nay. Ảnh minh họa: baoxaydung.com.vn

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ việc các dự án nhà ở mọc lên ồ ạt, phá vỡ quy hoạch, tăng quy mô dân số vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng cơ sở. Trong đó, không ít khu đất trước đây là nhà máy, cơ sở sản xuất được chuyển đổi mục đích sử dụng để trở thành khu chung cư, tòa nhà văn phòng.

Với điều kiện và nguồn lực của nước ta hiện nay, việc mở rộng đường sá hay xây dựng thêm các công trình hạ tầng thiết yếu ở đô thị khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều, bởi cần rất nhiều thời gian, công sức, tốn kém tiền của. Do vậy, càng cần phải nghiên cứu cặn kẽ, thấu đáo, sử dụng hợp lý quỹ đất sẵn có, đặc biệt cần chú trọng hài hòa với hạ tầng cơ sở hiện hữu.

Chủ trương di dời nhà máy, xí nghiệp sản xuất, trường đại học, bệnh viện từ khu vực nội thành ra ngoại thành đã được triển khai nhiều năm qua tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn. Mục tiêu của việc di dời chính là để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô.

Cùng với di dời các cơ sở nói trên, người dân luôn mong muốn quỹ đất đó sẽ được ưu tiên xây dựng các công trình công cộng tạo không gian cho Thủ đô, như: Vườn hoa, công viên, hồ nước hay mở rộng, cải tạo hệ thống giao thông. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét quỹ đất cho mục đích xây dựng trường học, nhất là trường mầm non, tiểu học vốn đang rất thiếu ở đô thị.

Điều này vừa giúp kéo dãn mật độ xây dựng, vừa bổ sung hạ tầng thiết yếu đáp ứng nhu cầu đời sống dân sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Để giải quyết bài toán quá tải hạ tầng cơ sở của các đô thị lớn hiện nay, giải pháp căn cơ về lâu dài là cần phát triển hệ thống đô thị vệ tinh bao quanh đô thị lõi. Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đã định hướng cho việc hình thành các đô thị vệ tinh, tuy nhiên, cần có thêm động lực để thúc đẩy quá trình này. Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là mạng lưới giao thông kết nối với xương sống là các tuyến đường vành đai và trục hướng tâm.

Vùng Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang tập trung nguồn lực xây dựng đường vành đai và các tuyến đường kết nối đô thị vệ tinh. Đây sẽ là điều kiện để phân bố lại dân cư một cách hợp lý, phát triển không gian đô thị cân đối, hài hòa, mang đến cho thành phố diện mạo khang trang, hiện đại.

ĐỖ MẠNH HƯNG