QĐND - Những sai sót của các đơn vị thi công đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vừa bị phanh phui chỉ cách thời điểm chuẩn bị thông xe và khai thác tạm vài ngày, khiến dư luận hết sức bất ngờ. Ngay sau đó, đoàn kiểm tra Bộ Giao thông vận tải vào cuộc, tiến hành nhổ nhiều móng cột bê tông, lan can ở gói thầu số 3 để kiểm tra và đã phát hiện những sai sót về thiết kế, kích thước. Tiếp đó, chủ đầu tư là Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức kiểm điểm, công bố kỷ luật các tập thể, cá nhân sai phạm; đình chỉ thi công đối với lực lượng thi công và tiến hành khắc phục sai sót.
 |
Ảnh minh hoạ: Việt Cường
|
Dư luận rất đồng tình với sự vào cuộc kịp thời của Bộ Giao thông vận tải và việc xử lý những hành vi sai phạm, song cũng đặt ra nhiều vấn đề bức xúc. Một dự án trọng điểm, có giá trị sử dụng lâu dài, vốn đầu tư lớn, mang lại ý nghĩa kinh tế, xã hội cao và là niềm tự hào của người Việt Nam, được thi công bởi những nhà thầu, đơn vị tư vấn “hàng đầu”, có trình độ quản lý, thi công và phương tiện kỹ thuật hiện đại, lại gian dối, làm ẩu, bỏ qua các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với những hạng mục tưởng như đơn giản là móng cột lan can. Liệu dưới mặt đường láng nhựa của công trình sắp thông xe, còn có bao nhiêu sai sót do sự thiếu trách nhiệm, làm ẩu của đơn vị thi công, sự lỏng lẻo, thiếu kiểm tra của đơn vị tư vấn giám sát, chủ đầu tư? 35km còn lại của dự án làm sao để bảo đảm chất lượng cao nhất?
Không chỉ riêng dự án nói trên với tổng vốn đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng, các dự án xây dựng trọng điểm khác đều có kinh phí đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, phần lớn phải vay từ nhiều nguồn trong nước và quốc tế, gắn với việc trả nợ kéo dài đến hàng chục năm sau. Giá trị đầu tư lớn đòi hỏi đi kèm các tiêu chuẩn kỹ thuật, thời gian khai thác, sử dụng của công trình luôn đặt ra vấn đề cần phải có sự giám sát chặt chẽ trong quá trình triển khai xây dựng. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, nhiều dự án xây dựng trọng điểm của quốc gia vẫn thiếu sự giám sát chặt chẽ từ các Bộ, ngành chủ quản, cơ quan giám sát của Nhà nước. Chủ đầu tư rót vốn và “khoán trắng” cho nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát. Chủ đầu tư chỉ kiểm tra hời hợt, qua loa. Khi nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát “bắt tay” nhau, thi công ẩu, gian dối để “rút ruột” công trình, sẽ dễ dàng qua mặt chủ đầu tư, dẫn đến những công trình có chất lượng thấp, hư hại ngay sau khi đưa vào sử dụng. Lâu nay, ngành chủ quản chỉ thực sự vào cuộc khi phát hiện có sai phạm, còn việc ngăn chặn, phòng ngừa đang bị coi nhẹ. Không ít dự án sau khi phát hiện sai phạm, việc xử lý thường bị chậm trễ, dây dưa kéo dài khiến công trình bị ngưng trệ. Từ thực trạng này, nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng, cần tăng cường các hình thức, biện pháp giám sát đối với những dự án xây dựng trọng điểm, có nguồn vốn lớn. Bên cạnh đơn vị tư vấn giám sát, ngành chức năng và chủ đầu tư dự án cần có bộ phận giám sát độc lập, tổ chức hoạt động kiểm tra, giám sát theo định kỳ, hoặc đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý những sai sót, không “khoán trắng” cho đơn vị tư vấn giám sát như hiện nay. Mặt khác, dư luận mong muốn khi phát hiện sai phạm, việc xử lý phải được thực thi nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật để làm gương cho các nhà thầu, dự án khác.
ĐẶNG TRUNG KIÊN