Các chính sách ưu đãi vốn vay cho nông nghiệp đã từng bước được thực hiện, nhất là mở rộng đối tượng vay, nâng mức vay không có tài sản bảo đảm theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ lên gần gấp 2 lần, đã đáp ứng nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài những “điểm mở” trong hoạt động tín dụng khu vực nông nghiệp thì chính sách tín dụng vẫn cần đáp ứng hơn nữa nhu cầu phát triển trong lĩnh vực này.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: baochinhphu.vn.

Dù dư nợ tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn tính đến ngày 30-9-2016 đạt hơn 925.000 tỷ đồng, tăng 13,43% so với cùng kỳ năm 2015 nhưng hiện chỉ chiếm tỷ trọng 18% dư nợ cho vay của nền kinh tế, vẫn chưa thể thỏa mãn "cơn khát" vốn của ngành nông nghiệp hiện nay. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân khiến vốn vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện chưa tương xứng với nhu cầu là do tâm lý sợ rủi ro. Ngành nông nghiệp có độ rủi ro khá cao, dễ bị tổn thương bởi nhiều tác động; cùng với đó, lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với một số lĩnh vực khác. Vì vậy, mặc dù Nghị định 55 của Chính phủ đã "mở” hơn rất nhiều so với Nghị định số 41/2010/NĐ-CP nhưng các ngân hàng vẫn rất thận trọng trong việc cho vay do lo ngại rủi ro, nợ xấu. Hơn nữa, người nông dân thường không có tài sản thế chấp cho khoản vay dẫn đến khó khăn trong quá trình vay vốn đầu tư sản xuất.

Do vậy, để mở rộng dòng vốn đầu tư cho nông nghiệp, ngoài thực hiện tốt Nghị định 55 của Chính phủ, chính sách tín dụng trong lĩnh vực này cần tiếp tục chuyển đổi để phù hợp hơn nữa với nhu cầu thực tế. Cũng cần tiếp tục đa dạng hóa các loại hình cung cấp tín dụng, trong đó tập trung ưu đãi, hỗ trợ đối với một số nông sản chủ lực, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Việc thực hiện hiệu quả mô hình liên kết trong nông nghiệp hiện nay giữa hộ nông dân, dự án, doanh nghiệp; giữa các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sẽ cũng làm ngân hàng yên tâm hơn khi cho nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp vay vốn.

Ngoài việc tích hợp đồng bộ hệ thống chính sách tín dụng với các hệ thống chính sách khác như: Chính sách bảo hiểm nông nghiệp, chính sách về lao động, đầu tư, vốn hóa đất nông nghiệp để góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp thì Nhà nước cũng cần có các chính sách đột phá khác về vốn để tập trung dòng vốn hỗ trợ cho các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, nông dân phát triển như: Ủy thác vốn các chương trình cho các ngân hàng thương mại tham gia; phát triển hệ thống tín dụng phi chính thức cho vay thông qua hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên hay tín dụng nội bộ hợp tác xã; tạo tiền đề cho các tổ chức tài chính vi mô phát triển. Chỉ khi đồng bộ các giải pháp về vốn tín dụng thì nhu cầu về vốn của nông dân, nhất là các hộ nông dân nghèo mới có thể được đáp ứng, góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen hiện nay, kích thích nền nông nghiệp phát triển.

HOÀNG GIA MINH