QĐND - Tình trạng úng ngập nước trong những ngày mưa lớn kéo dài và thủy triều lên cao tại TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ cứ năm sau cao hơn năm trước. Đáng mừng là sau những kêu ca, phàn nàn, người dân đã vào cuộc cùng chính quyền và các cơ quan hữu trách hiến kế tìm những giải pháp xử lý từng bước, từng mặt có, tổng thể và đồng bộ cũng có. Đó là hệ thống hồ điều tiết, cống thoát nước, là sự khơi thông các dòng chảy, ngăn chặn nạn xả rác bừa bãi... Đó là hệ thống đê bao, cống kiểm soát nước triều, chế ngự nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao... Đáng chú ý trong đó có những "giải pháp mềm", "giải pháp xanh" như thay lớp bê tông trên hè đường bằng cây xanh; mở rộng, khơi sâu thêm hồ nước ở các công viên... "Giải pháp xanh" không chỉ có tác dụng hỗ trợ cho chống ngập mà còn có tác dụng cực kỳ quan trọng khác là chống nóng, tạo nên những khu vực "vi khí hậu" mát và lành, tạo cảnh quan đẹp cho Thành phố...
Những giải pháp của TP Hồ Chí Minh vừa phù hợp với đặc thù Thành phố, vừa có những nội dung phù hợp với thủ đô Hà Nội và cả những đô thị, các vùng nông thôn trong cả nước, đặc biệt là "giải pháp xanh". Phong trào xây cất, "bê tông hóa" trong quá trình đô thị hóa có nhiều yếu tố tự phát đã làm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều đô thị, làng xã mất đi nhiều hồ, đầm, ao chuôm. Diện tích trồng cây, diện tích và dung tích chứa nước bị thu hẹp lại. Đường phố, vỉa hè, mọi chỗ trống trong khu dân cư, công sở, nhà máy, xí nghiệp cũng lát kín bê tông khiến lượng ngấm nước cũng giảm hẳn. Nhà liền nhà, chen chúc, chật chội đã đành, nhưng những đô thị bê tông hấp thụ và tỏa ra lượng nhiệt khổng lồ. Rồi xe cộ đi lại ngày mỗi nhiều... Đô thị lớn "chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã oi bức" là vì vậy. Nội đô Hà Nội bao giờ cũng cao hơn vùng xung quanh 1 độ C.
 |
Ảnh minh họa: TTXVN |
Đáng tiếc, việc ăn ở, xây cất ở các vùng nông thôn cũng đi theo những cách thức đó. Lũy tre xanh, bãi cỏ dưới gốc đa không còn, bờ rào dâm bụt, cúc tần thay bằng tường gạch, nhà mọc chen kín vườn tược...
"Giải pháp xanh" là một nguyên lý có ý nghĩa sống còn đối với môi trường các đô thị lớn, siêu đô thị. Ở các thành phố lớn vùng ôn đới, nơi số giờ nắng trong năm ít hơn vùng nhiệt đới, người ta vẫn duy trì và trồng mới những khu rừng ven đô, xây dựng thêm các công viên, thành phố mới xây dựng bao giờ cũng ưu tiên cây xanh, hồ nước... Từ lâu, chúng ta đã nhận thức và có những kế hoạch chuẩn bị, từng bước thực hiện việc làm xanh, làm đẹp thành phố, song quá trình đô thị hóa tự phát đi nhanh, đi mạnh hơn những tính toán và sự chuẩn bị đó. Để phát triển thành phố và nông thôn "bê tông hóa" là bắt buộc nhưng "bê tông hóa" không theo quy hoạch, phá vỡ quy hoạch lại trở thành một hệ lụy tiêu cực đối với môi trường thiên nhiên và xã hội.
Để khắc phục, khắc chế những hệ lụy này, việc mở rộng diện tích ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là tiền đề căn bản. Gắn với đó là quy hoạch các đô thị vệ tinh, là chuỗi liên kết với các mạng đô thị chung quanh. Tất nhiên, đó là chuyện cần thời gian, còn trước mắt, việc "giải bê tông hóa" hoàn toàn có thể thực hiện từng phần, từng việc. TP Hồ Chí Minh đã bắt tay thay lớp thảm cỏ cho một số tuyến hè đường và khơi đào lại hồ trong công viên. Việc trồng mới và chăm sóc, bảo vệ cây xanh, xây dựng mới thêm các công viên đều đã được Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều thành phố, thị xã khác quan tâm nhiều hơn. Việc lắp đặt điện mặt trời, làm vườn cây, vườn rau, đặt chậu cây trên nóc nhà, hiên nhà đã và đang nở rộ như một phong trào sống xanh, sống đẹp. Trong xây dựng, đã bắt đầu xuất hiện ý thức về áp dụng công nghệ xanh, vật liệu thân thiện môi trường cho các công trình lớn...
Để góp phần giải "bê tông hóa" chống ngập lụt, chống nóng, chống ô nhiễm môi trường, những "giải pháp xanh" cùng xu thế sống xanh cần được ủng hộ, hỗ trợ để đẩy mạnh hơn nữa. Đồng thời với đó là thực sự thực hiện "quy hoạch đi trước", không để "đô thị hóa tự phát" lấn át và xiết chặt kỷ luật, không để mật độ xây dựng quá cao như hiện nay. Và cần chú ý cả ở đô thị và nông thôn.
MẠNH HÙNG