Mặc dù Việt Nam vẫn được Ngân hàng Thế giới dự báo là một trong 5 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong tình hình dịch bệnh, với mức 2,8% trong năm nay, nhưng rõ ràng khó khăn là rất lớn. Khó khăn bởi nền kinh tế thế giới, trong đó có các đối tác lớn của chúng ta đều đang suy giảm nghiêm trọng, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm nhanh. Nền kinh tế Việt Nam đang xuất siêu lớn, đó là tin vui, nhưng cũng ẩn chứa nỗi lo, khi mức nhập khẩu giảm thì cũng là chỉ dấu cho thấy nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện giảm, nghĩa là doanh nghiệp đang ít việc làm đi. Và cũng có thể, chuỗi cung ứng ở một số mặt hàng đang bị đứt gãy, gián đoạn do đại dịch Covid-19 và những căng thẳng thương mại.
 |
Covid-19 gây ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề. Ảnh minh họa/TTXVN. |
Trước rất nhiều thách thức đang đặt ra, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã bàn rất nhiều giải pháp. Trong đó, một bài toán khó, bài toán kép hiện nay là làm sao vừa phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 tốt, không để dịch lây lan, bảo vệ sức khỏe của người dân, vừa thúc đẩy được kinh tế phát triển, giữ được việc làm cho người lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2020 đã có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, trong đó 2,4 triệu lao động mất việc, tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước tăng 2,73%, khu vực thành thị tăng 4,46%; có khoảng 17,6 triệu người giảm thu nhập do dịch. Nếu không sớm có những giải pháp cho vấn đề lao động, việc làm thì tình hình sẽ phức tạp.
Do đó, lúc này rất cần sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị cho tới mỗi người dân. Trước hết là phải tăng tính tự giác, thực hiện tốt các biện pháp PCD Covid-19, không chủ quan, lơ là. Nơi nào có nguy cơ cao về dịch Covid-19 thì phải thực hiện giãn cách xã hội, thậm chí cách ly xã hội. Ráo riết truy vết, cách ly ngay những người có nguy cơ mang virus SARS-CoV-2. Nhưng đồng thời vẫn phải để các hoạt động kinh tế-xã hội diễn ra bình thường ở các khu vực ít nguy cơ. Ngay cả kỳ thi THPT năm 2020 cũng sẽ diễn ra theo cách thức phù hợp, vừa bảo đảm an toàn PCD, vừa để việc thi cử, xét tuyển đầu vào của học sinh, sinh viên không bị gián đoạn. Muốn vậy, rất cần có sự phối hợp hiệu quả giữa Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19, Bộ Y tế với các bộ, ngành, địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong truy vết Covid-19 bằng cách khuyến khích người dân cài đặt ứng dụng Bluezone để xác định việc tiếp xúc của các đối tượng được chính xác...
Khó khăn lớn nhưng không phải chúng ta không có những cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian này, với Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, rồi rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang rục rịch chuyển sản xuất sang thị trường Việt Nam. Muốn biến những cơ hội này thành hiệu quả thực tế thì cần tăng tốc hoàn thành các cơ sở pháp lý, giải quyết các thủ tục hành chính.
Trong lúc này, doanh nghiệp đang hết sức khó khăn. Vì thế, cần tiếp tục sớm có những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu không, số doanh nghiệp mà chúng ta phát triển được trong thời gian qua sẽ giảm rất nhanh.
Dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam có phẩm chất rất quý là càng trước khó khăn thì càng đoàn kết, thông minh, sáng tạo để tìm ra cách vượt qua. Đây chính là lúc phẩm chất ấy cần được phát huy cao độ.
HỒ QUANG PHƯƠNG