Hôm nay (7-10), Đảng, Nhà nước, đồng bào và chiến sĩ cả nước ta bùi ngùi, xúc động tiễn đưa nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về nơi an nghỉ cuối cùng. Sinh thời, Tổng Bí thư Đỗ Mười từng tâm sự: Mỗi đảng viên không chỉ có bổn phận trung thành với Đảng, mà còn phải có trách nhiệm giữ gìn và làm đẹp thêm uy tín, thanh danh của Đảng bằng chính tấm gương đạo đức, học tập, công tác của mình. Từ tâm nguyện sâu sắc ấy, cả đời ông đã trọn vẹn tinh thần cống hiến, hy sinh vì dân, vì nước. “Thác là thể phách, còn là tinh anh” (Nguyễn Du). Nay ông đã về với tổ tiên, về với đất mẹ, nhưng di sản mà ông để lại cho hậu thế chính là tấm gương giản dị, mực thước của một nhà lãnh đạo, một người cộng sản chân chính.

Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), năm 1992. Nguồn: TTXVN.

Trong một cuộc hội thảo, có ý kiến nêu ra: Điều gì đã làm nên vị thế, tư cách, uy danh của Đảng Cộng sản Việt Nam? Có nhiều cách lý giải ở các góc độ, phương diện khác nhau, nhưng đều chung một điểm thống nhất: Một trong những lý do cơ bản là Đảng ta và đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ được vai trò tiền phong, gương mẫu. Vì nêu gương không chỉ là một trong những phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng, mà còn là phẩm chất chính trị, giá trị đạo đức, tư cách văn hóa của cán bộ, đảng viên.

Nhìn lại giai đoạn đầu lịch sử của Đảng ta, chỉ trong vòng 10 năm, cả bốn đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng là Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ đều bị thực dân Pháp bắt giam và hy sinh trong quá trình hoạt động cách mạng khi tuổi đời còn khá trẻ. Sự dấn thân chiến đấu, hy sinh oanh liệt của bốn lãnh tụ tiền bối là một tổn thất vô cùng to lớn cho Đảng và dân tộc ta, nhưng những tấm gương đó mãi mãi “như mặt trời reo trên núi sông” và trở thành một trong những động lực, sức mạnh tinh thần cho quân dân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Không chỉ nêu gương về lòng dũng cảm, tận hiến hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhiều cán bộ cấp cao của Đảng đã học tập phong cách, lối sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực tiễn minh chứng, nhiều cán bộ, đảng viên luôn nêu cao gương sáng, thể hiện lối sống giản dị được nhân dân hết sức kính trọng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, khi đang đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư hằng ngày đi làm việc, đi công tác bằng xe Lada không có máy điều hòa-xe tiêu chuẩn dùng cho cấp thứ trưởng; vào Nam ra Bắc đi máy bay chung với mọi người; cắt giảm xe bảo vệ... Trong phòng làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh ở TP Hồ Chí Minh, mọi tiện nghi, từ chiếc quạt bàn, bộ ấm chén, lọ hoa, chiếc đồng hồ treo tường... đều là hàng Việt Nam sản xuất, chất lượng, mẫu mã thuộc loại trung bình.

Những năm gần đây, nhiều ý kiến đã nhận định: “Cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng ở nước ta có bước chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả như thời gian qua, một mặt do ý chí quyết tâm chính trị của Đảng ta được thực hiện triệt để, mặt khác xuất phát từ tinh thần “nói đi đôi với làm”, làm thực chất trong công tác chỉ đạo, điều hành cuộc đấu tranh cam go này của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu Đảng ta. 

Đảng giữ trọng trách vai trò lãnh đạo, dẫn dắt xã hội thì đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu phải trở thành những tấm gương quang minh chính đại để đủ sức soi sáng con đường đi lên của dân tộc. Nêu gương, như Bác Hồ chỉ rõ: “Nói miệng, ai cũng nói được”, nhưng điều quan trọng “Ta cần phải thực hành”. Khi thực hành nêu gương, bản thân mỗi cán bộ như một tấm gương sáng sẽ lan tỏa, soi chiếu, cảm hóa lòng người. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Tấm gương càng lớn càng có tác động tích cực, sâu rộng đến việc xây dựng đạo đức trong Đảng và trong xã hội. Giá trị nêu gương chính là ở tấm lòng kiên trung, sống tốt, làm giỏi, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của cán bộ, đảng viên. Điều giản dị này như một chân lý mà nếu cán bộ, đảng viên nào không thấm thía sẽ khó bảo toàn được uy tín, danh dự của Đảng và của chính mình.

THIỆN VĂN