Những năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng Tết Nguyên đán thường tăng rất mạnh, dao động từ 1 đến 2%, thậm chí cao hơn rất nhiều. Mặc dù tháng Tết là tháng người Việt Nam chi cho tiêu dùng mạnh mẽ nhất, nhưng giá cả hàng hóa biến động không đáng kể. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện chính sách ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát để bảo đảm chất lượng tăng trưởng của Việt Nam đang phát huy tác dụng ngày càng rõ nét.

Đạt được điều đó là do những chính sách của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương trong việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa, không để khan hiếm hàng hóa gây tăng giá bất thường. Đó là thành công rất lớn, xứng đáng với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị trong 4 năm qua.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa/nguồn internet.
Thực tế những năm trước cho thấy, khi chỉ số giá tiêu dùng được kiềm chế thành công ngay trong tháng có nhu cầu chi tiêu cao nhất thì chỉ số giá tiêu dùng cả năm cũng đều được kiềm chế tốt, bảo đảm đúng chỉ tiêu kế hoạch đặt ra cho cả năm. Bởi thế, năm nay, chỉ số giá tiêu dùng tháng Tết tăng thấp là thuận lợi rất lớn để Chính phủ thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng cả năm theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Tuy vậy, diễn biến giá cả trong năm nay sẽ rất khó lường, bởi nhiều yếu tố bất ổn của thị trường thế giới có thể có tác động rất mạnh tới chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam. Sự biến đổi thất thường của khí hậu cũng có thể gây ra những thiệt hại khó lường cho sản xuất, kinh doanh, làm khan hiếm hàng hóa cục bộ hoặc trên diện rộng. Bởi vậy, Quốc hội, Chính phủ đều nhấn mạnh tới nguy cơ từ những diễn biến khó lường ấy để các cấp, các ngành không lơ là với nhiệm vụ ổn định thị trường, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong những tình huống bất lợi. Bài học kinh nghiệm từ việc kiềm chế giá cả trong dịp Tết rất hữu ích và hoàn toàn có thể áp dụng khi có tình huống bất lợi tác động đến giá cả thị trường.

Vấn đề cần chú ý nhất có lẽ là tính chủ động của chính quyền, đoàn thể các địa phương trong việc sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể tác động bất lợi lên giá cả hàng hóa. Muốn vậy, bên cạnh việc tuyên truyền để những người hoạt động buôn bán, kinh doanh không lợi dụng “té nước theo mưa”, vin cớ tăng giá vô tội vạ, những người có trách nhiệm ở cơ sở cần được trang bị kiến thức cơ bản về giá cả và quy luật thị trường để có “phản ứng nhanh” ngay khi có biến cố xảy ra.

Trong điều hành, phần tăng giá chủ động (liên quan đến giá cả các dịch vụ do Nhà nước điều tiết, như dịch vụ y tế, giáo dục…) nên được thực hiện vào cuối năm. Chỉ chủ động tăng giá khi mức tăng chỉ số giá tiêu dùng cả năm chắc chắn đạt chỉ tiêu kế hoạch. Khi đó sẽ tránh được tình trạng chủ động tăng giá, sau đó lại bị động trong điều hành giá.

Người Việt Nam ta có câu: “Đầu xuôi, đuôi lọt”. Với những tín hiệu vui về sự ổn định của giá cả ngay từ đầu năm, mong rằng, chỉ số giá tiêu dùng năm 2017 sẽ tiếp tục được kiềm chế tốt, tạo nền tảng cho việc giữ vững ổn định xã hội và tạo nền tảng cho nền kinh tế của nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn.

CHIẾN THẮNG