Nhưng chúng ta vẫn thấy sự phát triển giáo dục hiện nay chưa thật là nền móng để phát triển đất nước. Vì vậy, lúc này người dân rất quan tâm tới việc các cơ quan chức năng đang xem xét, thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học để trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Luật Giáo dục đại học là để phát triển giáo dục, phát triển đất nước. Nhưng hiện nay, số cử nhân thất nghiệp lên tới khoảng 200.000 người. Vì vậy, chúng ta phải phân tích tình hình, tìm ra nguyên nhân và cách sửa đổi để không xảy ra tình trạng này. Nhiều vấn đề đặt ra: Thứ nhất, có một thời gian, chúng ta phát triển đại học quá ồ ạt, chạy theo số lượng một cách hình thức theo các nước tiên tiến mà không bám sát tình hình của đất nước, có thể làm được đến đâu và nhu cầu đến đâu. Cho nên, có những trường đại học mở ra ở các tỉnh không có đủ nhân lực để phục vụ, không có đủ những người có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư để giảng dạy.
 |
Ảnh minh họa/qdnd.vn. |
Thứ hai là đội ngũ những người giảng dạy-nhân tố quyết định chất lượng đại học. Hiện nay, trong tổng số hơn 70.000 cán bộ giảng dạy đại học mới có hơn 20% có trình độ tiến sĩ. Một trong những trường cao nhất đạt chuẩn tiến sĩ như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mới có 52%. Trong khi đó, có nước nhiều năm nay 100% cán bộ giảng dạy đại học phải có trình độ tiến sĩ. Phát triển đại học phải nhìn vào đội ngũ của mình, bởi vậy ngành giáo dục phải cố gắng chấm dứt tình trạng mà người Việt ta vẫn nói là “cơm chấm cơm”.
Thứ ba là cơ sở vật chất. Việt Nam có lẽ chưa có một trường đại học nào đạt chuẩn thực sự về cơ sở vật chất, kể cả các trường danh tiếng như: Đại học Quốc gia, Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Các trường đại học còn thiếu phương tiện, thiết bị, các phòng thí nghiệm, thư viện. Bên cạnh đó, các khuôn viên nhà trường nằm lẫn với khu dân cư. Số sinh viên được ở ký túc xá chỉ chiếm hơn 20% tổng số sinh viên. Đặc biệt, giáo trình, sách giáo khoa, nhiều nơi chưa hiện đại hóa, chưa đạt trình độ chung của thế giới.
Thứ tư, chế độ cho vay tiền và chế độ học bổng của chúng ta cũng không thỏa mãn yêu cầu của sinh viên. Không ít sinh viên, học viên giỏi, có năng lực nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, rất thiếu thốn, không được hỗ trợ vay tiền để trang trải học phí. Học bổng thì quá hạn hẹp, không có sức hút người tài.
Đặc điểm của phát triển giáo dục là có cả tính chất quốc tế. Giáo dục phổ thông phải đạt chuẩn phổ thông của các nước tiên tiến và có thể tiếp tục học đại học ở bất cứ quốc gia nào. Giáo dục đại học phải đào tạo được các chuyên gia làm ở trong nước cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhất là trong thời nay-thời kỳ hội nhập, thị trường lao động là thị trường toàn cầu nên phát triển giáo dục của chúng ta phải đáp ứng nhu cầu làm việc trong nước và các nước trên thế giới. Muốn thế thì giáo dục phải đạt chuẩn đại học của vùng và của thế giới
Nông nghiệp nước ta còn chiếm tỷ trọng khá cao nên chúng ta phải làm cách mạng công nghiệp từ nông thôn cho đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển nhân lực có trình độ đại học phải đáp ứng được yêu cầu của cả các cuộc cách mạng công nghiệp này.
Sứ mệnh của Luật Giáo dục đại học là để phát triển đại học. Mặc dù đất nước ta hiện nay còn nhiều khó khăn, ngân sách Nhà nước rất eo hẹp nhưng để phát triển đại học thì vai trò, trách nhiệm của Nhà nước rất lớn. Mong rằng lần này Quốc hội sửa Luật Giáo dục đại học đáp ứng được nhu cầu phát triển đại học và phát triển đất nước.
GS, NGND PHẠM MINH HẠC, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam