Gõ từ khóa “Mất bò mới lo làm chuồng” lên công cụ tìm kiếm Google thấy hiển thị hàng nghìn kết quả. Các bài viết này chỉ rõ một thực trạng khá phổ biến: Cách giải quyết của cơ quan quản lý, chính quyền thường đi sau, chỉ đến khi việc hỏng, trở thành tiêu cực, ung nhọt của xã hội mới ứng cứu gọi là cho có. 

Bộ quy tắc ứng xử đối với nghệ sĩ đang chuẩn bị được ban hành là ví dụ điển hình của cách làm “theo đuôi” của cán bộ quản lý, cơ quan quản lý. Giả sử không có sự việc lộng ngôn trên mạng xã hội của một vài nhân vật; sự thiếu minh bạch của một số nghệ sĩ, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giải trí khi đi làm từ thiện; hay một số người lợi dụng hình ảnh mà quảng cáo sai sự thật để trục lợi... tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận, thì đến bao giờ bộ chủ quản mới “giật mình” mà nghĩ tới quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động trong lĩnh vực này tại Việt Nam?

 Nghệ sĩ thuộc Nhà nước quản lý và nghệ sĩ tự do sẽ phải ứng xử theo Bộ Quy tắc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. (Ảnh minh họa: Hội Nghệ sỹ Múa).

Phải có tầm nhìn và hành động vượt trước để tránh rước họa. Ngành nghề nào cũng rất cần có những bộ quy tắc, quy định chặt chẽ, tiên liệu những sự việc có thể xảy ra để răn đe các cá nhân, tổ chức; ngăn chặn vụ việc làm sai; đồng thời bảo vệ những người làm nghề chân chính. Cán bộ quản lý ngoài am hiểu tình hình thực tế còn phải dự báo được xu thế phát triển cả mặt tốt-xấu, từ đó đưa ra quy định chặt chẽ khiến cấp dưới dù ở thời điểm nào cũng khó mà làm liều. Lấy ví dụ về việc chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Vào thời điểm cuộc chiến với dịch bệnh đang cam go nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, khi chủ trì họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch, ngày 13-9, đã nhấn mạnh, cùng với phòng, chống dịch hiệu quả, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc chữa bệnh, vật tư phòng, chống dịch Covid-19. Cùng lúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị phải kiểm toán ngân sách chi cho phòng, chống dịch Covid-19. Hay như Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Phạm Sanh Châu, sau khi đọc thông tin trên báo chí về giá thuốc điều trị Covid-19 tại Việt Nam khá cao, đã ngay lập tức công khai giá loại thuốc này ở Ấn Độ, rẻ hơn tới cả chục lần giá tại Việt Nam, và “sẵn sàng giới thiệu mức giá này cho bất kỳ đơn vị nào muốn nhập loại thuốc này”.

Sự minh bạch, quyết liệt cùng những bước đi vượt trước của các nhà lãnh đạo, quản lý không chỉ là những chính sách chặn cái xấu, cái tiêu cực. Đi trước còn là những chính sách dũng cảm "cởi trói" cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính; tạo điều kiện cho nghệ sĩ phát huy tài năng; bảo vệ người có tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhất là khi những bước tiên phong ấy mang lại lợi ích cho cộng đồng. Nếu như trước kia đã có “vua lốp”, có Khoán 10, Khoán 100, thì mới đây, vụ “xé rào” của ông Võ Khắc Thái, Bí thư Quận ủy quận 7 (TP Hồ Chí Minh) dũng cảm tạo cơ chế chống dịch sáng tạo, khác biệt và hiệu quả để giúp quận 7 nhanh chóng trở thành một trong những "vùng xanh" đầu tiên trong lòng thành phố đang “đỏ” vì dịch.

Không thể để thói quen chạy đuổi theo các vụ việc để xử lý trong văn hóa quản lý con người, xã hội mà ngược lại, phải có tư duy vượt trước, có tầm nhìn xa, trông rộng. Một đất nước, một xã hội muốn phát triển tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, xây dựng ý thức tự giác tuân thủ phải có kỷ cương, phép nước, phải có pháp luật nghiêm minh để bảo vệ cái tốt, cái đúng, răn đe, trừng trị những cái xấu, cái sai, có hại. Có hệ thống luật pháp đủ mạnh; các quy định, bộ quy tắc đạo đức đủ sức răn đe là tiền đề cần thiết để người dân tự giác, tự kiềm chế, tự kiểm soát hành vi hiệu quả nhất. Ý của tiền nhân dạy đừng để “Mất bò mới lo làm chuồng” là như thế.

NGUYỄN HÒA