Mỗi khi ở địa phương có vụ việc nào đó bị dư luận phanh phui và đưa ra ánh sáng, động thái đầu tiên mà chính quyền sở tại và cơ quan liên quan lên tiếng với công luận là phải kiên quyết xử lý vụ việc sai phạm một cách nghiêm minh, triệt để. Việc lãnh đạo UBND huyện Ba Vì (TP Hà Nội) mới đây đã chỉ đạo các lực lượng chức năng cùng chính quyền cơ sở kiên quyết tháo dỡ phần xây dựng vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm trật tự đất đai của gần 60 biệt thự tại khu nghỉ dưỡng Điền Viên Thôn ở xã Yên Bài, là một trong những động thái như vậy.
Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật về xây dựng diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có một số vụ đã thành “điểm nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận như xây dựng biệt phủ ở chân núi Hải Vân (quận Liên Chiểu-Đà Nẵng), tòa nhà 8B Lê Trực (quận Ba Đình-Hà Nội)… Các vụ việc này có chung đặc điểm là diễn ra trong thời gian dài giữa thanh thiên bạch nhật mà không hiểu tại sao vẫn “vượt mặt” chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng? Sau khi xảy ra vụ việc, có đủ lý do để người ta biện minh, trong đó có một lý do thường được viện ra là cả nể, xuê xoa và thiếu kiên quyết xử lý sai phạm ngay từ đầu.
Hàng loạt biệt thự không phép “mọc” ở Ba Vì (Ảnh: VTV)
Cái lý do “nể nang, thiếu kiên quyết” thoạt nghe có vẻ dễ cảm thông vì “tinh thần nhân văn” của những người thực thi công vụ đối với các chủ công trình xây dựng sai phạm! Nhưng phải thẳng thắn nói rằng, cái sự “thiếu kiên quyết” đó ít nhiều liên quan đến sự dung túng, bao che khuyết điểm cho các đối tượng sai phạm. Hậu quả của việc làm này là kỷ cương phép nước không những bị xem nhẹ, coi thường, mà còn gây ra lãng phí cả về nguồn lực của Nhà nước và chính người dân. Vì mỗi lần phải cưỡng chế các công trình sai phạm, Nhà nước phải huy động không ít nhân lực, vật lực để tháo dỡ, phá bỏ nó. Đương nhiên, các chủ công trình sai phạm cũng thêm hao tiền tốn của do họ đã “đứng ngoài” luật pháp về xây dựng!
Cả nể, duy tình, cảm tính, là những nét tâm lý khá đặc trưng trong tính cách người Việt. Đó là một trong những căn nguyên làm cho những người thực thi công vụ, nhất là cán bộ, công chức ở cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) thường có biểu hiện nể nang trong quá trình thi hành chức trách, nhiệm vụ của mình. Đó cũng là một trong những căn nguyên khiến cho việc tuân thủ, chấp hành luật pháp ở nhiều nơi chưa nghiêm minh, tinh thần “thượng tôn pháp luật” và trách nhiệm công vụ của những người thừa hành không được thể hiện đến nơi đến chốn. Một khi tâm lý cả nể, xuê xoa lại được bao bọc dưới cái vỏ “thiếu kiên quyết trong ngăn chặn, xử lý” các biểu hiện sai phạm ở cơ sở, sẽ vô hình trung tạo thành “mảnh đất màu mỡ” cho các tệ nạn, tiêu cực xã hội thêm phát sinh, lộng hành!
Trong một xã hội pháp quyền, không đối tượng nào lại đòi hỏi yêu cầu cao về tính kiên quyết như những người thực thi công vụ. Kiên quyết là tỏ thái độ thật sự cứng rắn, quyết làm bằng được những điều đã xác định, dù khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua. Nhất là khi đã phát hiện được những manh nha sai phạm, thì cần phải ngăn chặn ngay từ đầu. Đừng để "cái sảy nảy cái ung". Trong thực thi công vụ, nếu những nhà chức trách không kiên quyết ngay từ đầu sẽ có thể tạo thêm cơ hội cho nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để làm ăn thiếu lành mạnh, thậm chí phi pháp.
Dư luận mong muốn mọi sự sai phạm ở bất cứ lĩnh vực nào, thuộc đối tượng nào thì chính quyền và cơ quan chức năng cũng phải xử lý thật kiên quyết, triệt để. Vì kiên quyết là một trong những biểu hiện của sự nghiêm minh, sòng phẳng của pháp luật. Nhưng đừng nên kiên quyết theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”, tức là phải đi sau để giải quyết, xử lý những vụ việc và hậu quả đã xảy ra rồi.
ANH THẢO