Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong đầu Xuân mới Đinh Dậu này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký công điện chỉ đạo việc thực hiện bảo đảm an toàn giao thông, đặc biệt là trong mùa lễ hội Xuân 2017.
Điều dễ nhận thấy là tai nạn giao thông cứ mỗi dịp Tất đến, Xuân về lại tăng tăng lên. So với kỳ nghỉ Tết năm trước, có thể nhận thấy Tết Nguyên đán năm nay tình hình trật tự an toàn giao thông có diễn biến phức tạp hơn, tai nạn giao thông đã tăng trên cả 3 mặt: số vụ, số người chết và bị thương. Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, so với cùng thời điểm tết Nguyên đán Bính Thân 2016, số vụ tai nạn giao thông tăng 84 vụ (29,5%), tăng 21 người chết (11,5 %), tăng 135 người bị thương (48%). Cụ thể có 203 người bị lưỡi hái tử thần cướp đi mạng sống, cùng với đó là 417 người đã phải nhập viện trong 368 vụ tai nạn giao thông xảy ra trong 7 ngày Tết. Trung bình, mỗi ngày có 29 người tử vong vì tai nạn giao thông và 59 người bị thương. Cứ 1,8 vụ tai nạn giao thông lại mang đi 1 sinh mạng.
Lễ hội Gióng nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước từ thuở sơ khai. Ảnh: TTXVN.
Nhiều người cho rằng, nếu không có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở và chấn chỉnh kịp thời, tai nạn giao thông còn có thể tăng cao khi người dân bắt đầu các hoạt động lễ hội Xuân 2017, thăm viếng đền chùa, di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt hoạt động giao thông sẽ tăng dần nhịp độ, cường độ vào dịp cuối tuần tụ tập nơi đông người. Lúc đó học sinh, sinh viên, người lao động và cán bộ đã trở lại nhà trường, cơ quan, công sở và đơn vị sau kỳ nghỉ Tết dài.
Nguyên nhân để xảy ra tai nạn giao thông tăng cao trong các dịp lễ, Tết thì có nhiều, trong đó có những vấn đề đã được cảnh báo và đề cập như phương tiện chuyên chở cũ nát, hạ tầng giao thông yếu kém; công tác quản lý giao thông của các ngành chức năng còn nhiều bất cập, các cấp chính quyền nhiều địa phương chưa quan tâm và vào cuộc quyết liệt... Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới mất an toàn giao thông trong dịp lễ, Tết vẫn là ý thức chấp hành luật giao thông kém của người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông như các hành động uống rượu, bia, phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách...
Để người dân được hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần, thể hiện truyền thống nhân văn của người Việt là hướng tới giá trị chân thiện mỹ, tinh thần uống nước nhớ nguồn và biết ơn những bậc tiền bối thông qua các hoạt động du xuân, lễ hội, thiết nghĩ các địa phương tổ chức lễ hội Xuân 2017 cần sớm xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết với đầy đủ phương án đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng, phân tuyến nhằm giảm tải số lượng người tập trung cùng lúc. Việc này sẽ khắc phục tình trạng ùn tắc, chen lấn xô đẩy trong một không gian chật hẹp tại các khu vực diễn ra lễ hội.
Cùng với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, kiểm tra thực hiện luật giao thông cũng rất cần thiết nêu cao văn hóa, đạo đức, kinh doanh của các chủ doanh nghiệp vận tải, không thể vì lợi ích của doanh nghiệp mà sử dụng các phương tiện không bảo đảm an toàn, cũng như sử dụng lái xe chưa qua đào tạo. Để lễ hội nghiêm trang phần lễ và vui tươi phần hội, đọng lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, không chỉ cần cố gắng của các nhà quản lý, ban tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương mà còn cần ở ý thức tự giác của tất cả những người tham gia lễ hội.
Theo đó, mỗi người dân khi tham gia lễ hội xuân cần phải biết giữ gìn nét đẹp văn hóa của từng lễ hội truyền thống thông qua từng hành vi và sự tiếp nhận, cảm thụ văn hóa lễ hội của bản thân mình. Từng người phải tự "miễn dịch" và lên án những hành động không đẹp như: Tụ tập đánh bài, chửi thề, nói bậy, vứt rác không đúng nơi quy định, hay uống rượu, bia say gây mất an toàn khi tham gia giao thông…
Do đó, để mỗi người, mỗi gia đình du xuân an toàn, việc nâng cao văn hóa khi tham gia lễ hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mỗi người dân Việt Nam là biện pháp đặc biệt quan trọng để hoạt động lễ hội diễn ra lành mạnh và phát huy tốt những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.
VĂN PHONG