Trường Mẫu giáo Dona Standard được xây dựng trong khuôn viên rộng 2,4ha, kinh phí đầu tư hơn 3 triệu USD, được thiết kế, xây dựng khang trang, hiện đại, đã kịp khánh thành trước ngày khai giảng năm học mới. Với khả năng tiếp nhận, nuôi dạy hơn 1.000 cháu ở bậc học mầm non, Trường Mẫu giáo Dona Standard đã giải quyết căn bản nhu cầu của các gia đình công nhân có con nhỏ, đang làm việc tại các công ty, xí nghiệp thuộc tập đoàn. Điều đặc biệt, đây là ngôi trường dạy trẻ hoàn toàn miễn phí. Người lao động gửi con vào trường ngoài việc đóng tiền ăn theo định mức, không phải chịu bất cứ một khoản phí nào.

leftcenterrightdel
Lễ khánh thành Trường mẫu giáo Dona Standard – KCN Xuân Lộc – Đồng Nai. Ảnh: Internet. 
Đây không phải là lần đầu tiên Tập đoàn Phong Thái triển khai mô hình công trình phúc lợi dành cho công nhân. Những năm trước đó, tập đoàn này cũng đã đầu tư 14 triệu USD cho các dự án phúc lợi gồm ký túc xá cho công nhân và trường mẫu giáo cho con em tại KCN Sông Mây, huyện Trảng Bom, giải quyết nhu cầu nhà ở, trường học mầm non cho hàng ngàn công nhân. 

Việc một tập đoàn kinh tế tự bỏ nguồn kinh phí lớn để đầu tư những dự án phúc lợi dành cho công nhân đã và đang tạo được sự đồng thuận cao của chính quyền địa phương và người lao động, đồng thời thu hút sự quan tâm, chú ý của công luận.

Hiện nay ở các KCN, nhất là ở các vùng kinh tế trọng điểm, tình trạng quá tải giáo dục đang là vấn đề nan giải. Mặc dù những năm qua, các địa phương đã đầu tư quỹ đất, kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống trường học các cấp, nhất là ở bậc học mầm non, tiểu học, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hàng vạn gia đình công nhân trẻ vẫn phải chật vật gửi con ở các cơ sở giữ trẻ tư nhân không đáp ứng được các điều kiện dạy học. Những vụ việc đau lòng từ hiện tượng mất an toàn, bệnh tật, tai nạn, bạo hành trẻ em... xảy ra ở một số địa phương thời gian qua đều xuất phát từ thực trạng con em công nhân không được chăm sóc tại các trường mầm non đạt tiêu chuẩn.

Sự phát triển của nền kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế đã và đang tạo nên những thay đổi căn bản trong hoạt động đầu tư. Xu hướng tuyển dụng lao động có kinh nghiệm, trình độ tay nghề, nhân lực chất lượng cao... đang được ưu tiên. Muốn vậy, doanh nghiệp phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng mới có thể giữ chân người lao động lâu dài. Bên cạnh việc trả lương tương xứng với công sức lao động, hướng đến chăm lo đời sống hậu phương của người lao động chính là giải pháp căn cơ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Lý do để lãnh đạo Tập đoàn Phong Thái quyết định đầu tư những dự án phúc lợi cho người lao động chính là để họ an tâm làm việc, toàn tâm toàn ý gắn bó với doanh nghiệp. Giải quyết hài hòa nghĩa vụ và lợi ích giữa doanh nghiệp với người lao động chính là vấn đề cốt lõi trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Tình trạng công nhân nghỉ việc tập thể, đình công, người lao động bỏ doanh nghiệp... xảy ra ở nhiều KCN trong thời gian qua, đều xuất phát từ việc mối quan hệ hữu cơ này không được bảo đảm.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, kêu gọi sự vào cuộc ngày càng tích cực, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đầu tư các công trình phúc lợi dành cho người lao động là hướng đi đúng đắn nhằm tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế. Để có sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp trong các KCN, vai trò tham mưu, tư vấn, sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết trong tổ chức vận động, phối hợp của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương... là hết sức quan trọng và cần thiết. Ban quản lý các KCN, chính quyền các địa phương có KCN cần có sự tham quan, học hỏi những mô hình tốt ở các địa phương bạn để có thể tham khảo, vận dụng, nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả.

PHAN TÙNG SƠN