Đại dịch Covid-19 đã làm cho hàng triệu trẻ em trên thế giới trở thành trẻ mồ côi. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 9-2021, đã có hơn 1.500 em mất cha, mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhiều em không còn người thân nào trên đời. Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em đột ngột mất người thân sẽ gặp khủng hoảng tâm lý sâu sắc trong ngắn hạn và dài hạn. Rồi cuộc đời các em phải đối mặt lâu dài với vô vàn vấn đề phát sinh trong hiện tại và tương lai khi không còn nơi nào nương tựa. Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Coaching Hạnh Phúc (Hà Nội) cho rằng: "Cảm giác đau khổ vì chia cắt, mất mát đột ngột quá lớn; cảm giác bất lực vì không thể làm gì để giúp người thân; cảm giác tội lỗi, cay đắng, chia tay không lời gửi gắm; đám tang hoang vắng, không người đưa tiễn; nỗi lo sợ về tương lai... sẽ gây ra khủng hoảng tâm lý với con trẻ".

leftcenterrightdel
Tình nguyện trao quà Tết thiếu nhi cho các trẻ em trong khu cách ly tại Thuận An (Bình Dương). Ảnh: TTXVN. 

Bởi vậy, việc chăm sóc trẻ em mồ côi không chỉ về vật chất mà còn là tinh thần-yếu tố rất quan trọng, nếu như không nói là quyết định đến cuộc đời hạnh phúc sau này của các em và cả sự bình ổn của xã hội trong tương lai. Trước hết, ngay từ khi dịch đang bùng phát, xã hội, cộng đồng cần tạo lập được một bối cảnh văn hóa công nhận và hỗ trợ tất cả khía cạnh khác nhau của sức khỏe tâm thần cho trẻ mồ côi. Làm sao để các em không thấy mình là những đứa trẻ quá đặc biệt, quá đáng thương và nằm trong nhóm yếu thế. Để làm được điều đó, những người sống xung quanh các em cần có cách ứng xử phù hợp, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ các em với tình yêu thương thật lớn, song không vì thế mà vô tình hằn lên ký ức các em cảm giác mình là bất hạnh, mất mát.

Có 5 anh chị em từ 7 đến 15 tuổi ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh không còn người thân do dịch Covid-19. Các em được Ban CHQS huyện Bình Chánh nhận nuôi đỡ đầu. Đơn vị đã quyên góp, tặng sổ tiết kiệm và phân công cán bộ, nhân viên kèm cặp, hướng dẫn các em tiếp tục học tập, sinh sống. UBND huyện Bình Chánh phát động Chương trình “Trao gửi yêu thương” với phương châm đồng hành với trẻ mồ côi; tại các trường học sẽ xây dựng mô hình "Bạn giúp bạn", "Đôi bạn học tập".

Đồng hành với các em mồ côi vượt qua khổ đau, mất mát, bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất theo chính sách của Nhà nước, những chương trình an sinh của các địa phương đã và đang thực hiện, những hỗ trợ về văn hóa-tinh thần từ cộng đồng với các em thì không thể đo đếm, định lượng, đồng thời đòi hỏi có tính khoa học và thực tiễn lâu dài. Vấn đề này đặt ra cho tất cả mọi người và cộng đồng những suy nghĩ, hành động tốt nhất nhằm đồng hành với các em và bằng cách nào đó để các em lớn lên, trưởng thành với một đời sống tinh thần ít mặc cảm về thiệt thòi, mất mát thêm nữa.

Ngày 16-9, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT đã cam kết nhận nuôi dưỡng, đào tạo 1.000 em mất cha mẹ do đại dịch Covid-19. Đại diện công ty khẳng định: "Chúng tôi cam kết giúp các em học tập theo chương trình phổ thông, đại học FPT và học lên cao nếu có nguyện vọng. Chúng tôi muốn giúp các em phát huy mọi khả năng của mình".

Điều đó cho thấy, từ trong tâm dịch có nhiều đơn vị, tổ chức đã nêu cao trách nhiệm cộng đồng và hành động kịp thời trước một vấn đề xã hội nhạy cảm.

TRẦN HOÀI