Ông đã báo cáo về nguy cơ này với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi Chủ tịch đến thăm cơ sở tạo giống của tập thể do ông đứng đầu. Ông cũng đã đăng đàn trên báo chí, truyền thông về nguy cơ này.

Thực tế chuyện giống giả, gạo giả những thương hiệu nổi tiếng đã xuất hiện ở nước ta từ lâu. Chỉ vài năm sau khi các giống lúa truyền thống Nàng Hương, tám thơm Hải Hậu, tám Điện Biên, nếp cái hoa vàng... xuất hiện trở lại đáp ứng nhu cầu của ngày càng đông người dân về chất lượng thay cho số lượng, về nhu cầu ăn ngon, ăn sạch thay cho ăn no thì đủ các tên gạo có danh tiếng đều đã được trồng cấy và bán lẻ ồ ạt với giá thấp và rất thấp. Kết quả là người tiêu dùng đã mất dần tín nhiệm với các thương hiệu đó. Thực tế là, với số lượng gạo ST25 chính hiệu chỉ mới được trồng trên diện tích hạn chế, đang trong giai đoạn “giới thiệu” chứ chưa đủ để bán rộng ra thị trường nhưng các chợ lẻ từ Nam chí Bắc đã lấy tên ST25 quảng cáo câu khách và bày bán công khai. Ở một chợ gạo tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, giá được nêu là 300.000/10kg. Ở chợ gạo vỉa hè lớn nhất vùng lõi Hà Nội là Nguyễn Thiếp giá còn thấp hơn, từ 250.000/10kg đến 300.000/10kg. Các cửa hàng lẻ trên các chợ tạm, các ngõ phố giá còn thấp nữa. Tất cả các giá đó đều thấp hơn rất nhiều so với giá trị của gạo ngon nhất thế giới.

Kỹ sư Hồ Quang Cua vẫn miệt mài nâng cao chất lượng cho hạt gạo thơm ST. Ảnh: baosoctrang.org.vn

Để có được hạt gạo ngon thuần chủng là cả một quy trình canh tác công phu, khoa học, từ tạo những cánh đồng mẫu lớn khác biệt cùng với các chế độ chăm dưỡng cho đến các khâu thu hoạch, chế biến, lo đầu ra. Công phu ấy, quy trình ấy không phải vùng đất nào, doanh nghiệp và người dân nào cũng có thể thực hiện nếu không trải qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, chuyển giao công nghệ. Thế mới càng rõ thương hiệu sản phẩm cần phải đi liền, cộng sinh cùng các thương hiệu kinh doanh, chế biến. Đã có hàng chục cái tên doanh nghiệp uy tín từ Nam chí Bắc đồng hành cùng kỹ sư Hồ Quang Cua và bà con nhà nông trên nhiều vùng.

Công ty Cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh tại Hà Nội, một trong những doanh nghiệp có tên trong tốp đầu thương hiệu của Thủ đô Hà Nội, của Việt Nam và Đông Nam Á, là một ví dụ. Vì chữ tín, doanh nghiệp này đã đến tận từng cánh đồng, thửa ruộng của người dân trồng cấy những giống lúa ngon trên khắp miền Tổ quốc. Họ cũng đã sớm vào Sóc Trăng đặt mối liên kết với cơ sở của kỹ sư Hồ Quang Cua và chính quyền địa phương. Phương châm căn cốt của Bảo Minh là sự liên kết chặt chẽ với mọi đối tác liên quan đến mỗi mặt hàng họ kinh doanh. Đó là sự liên kết 5 nhà: Nhà nước, nhà cung ứng, nhà khoa học, nhà logistics, nhà buôn. Ấy là chưa kể đến nhà báo (giới truyền thông báo chí) để bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời, minh bạch, công khai.

Muốn đi xa phải đi cùng nhau là vậy. Và rõ ràng đó là một hướng đi mà các nhà quản lý giống lúa và gạo thương phẩm cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để những hạt gạo có nhãn mác, xuất xứ, tiêu chuẩn đàng hoàng từng bước thắng thế. Những giống lúa và hạt gạo chất lượng cao chìm nổi giữa thị trường nhốn nháo nghĩa là những giống lúa quý không còn danh và giá, là không thể có được thương hiệu gạo Việt Nam.

NGUYỄN ANH