QĐND - “Doanh nhân-người lính xung kích thời bình”, “Doanh nhân-người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”, “Doanh nhân ở tuyến đầu như người lính”…, đó là những cụm từ được dùng khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng trong mấy ngày gần đây nhân kỷ niệm 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10-2004 / 13-10-2014).

Ảnh minh họa/ dddn.com.vn

Thực tế ở Việt Nam đã ghi nhận có rất nhiều doanh nhân thành đạt xuất thân từ bộ đội. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp, doanh nhân trong quân đội chịu thử thách tốt hơn doanh nhân ngoài quân đội. Cũng là doanh nghiệp Nhà nước, nhưng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp quân đội cao hơn so với nhiều doanh nghiệp ngoài quân đội cùng ngành nghề… Từ thực tế này, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng, trong giai đoạn hội nhập hiện nay, doanh nhân Việt Nam cần có những phẩm chất và năng lực của Bộ đội Cụ Hồ-một biểu tượng đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam mà cả thế giới ngưỡng mộ. 

Giáo trình dạy kinh doanh của nhiều trường đại học lớn trên thế giới đều coi kinh doanh cũng giống như một trận đánh,“biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Ở một số nước có nền công nghiệp tiên tiến, để đào tạo một doanh nhân phải qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là rèn luyện tính kỷ luật, nhân cách, tác phong, cũng giống như việc huấn luyện tân binh trong quân đội hiện nay. Giai đoạn hai là trang bị các kiến thức về kinh doanh. Các học viên phải vượt qua được giai đoạn một mới được học đến giai đoạn hai. Không phải tình cờ mà gần đây, nhiều sách quản lý của các nước phương Tây đã tìm tòi, vận dụng những mưu kế của Binh pháp Tôn Tử cho kinh doanh. Để giành thắng lợi trên thương trường, doanh nhân không thể không có TRÍ để hiểu biết thị trường, nắm được khoa học công nghệ tiên tiến; không thể không có DŨNG để dám dấn thân vào thương trường và quyết thắng. Doanh nhân cũng phải có NHÂN để lập thân, khẳng định nhân cách của mình qua kinh doanh. Trí, dũng, nhân, đó là tiêu chí cần có của người cầm quân muốn giành thắng lợi trên chiến trường. Đó cũng là những phẩm chất, năng lực cần có của người cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam

Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định lấy ngày 13-10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, đôi lúc rất khắc nghiệt. Trong bối cảnh đó, bản lĩnh của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam lại càng được thể hiện và có những đóng góp rất quan trọng vào nền kinh tế quốc dân, bảo đảm việc làm cho người lao động, góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và giải quyết các vấn đề xã hội. Sự đóng góp đó là tác nhân quan trọng để đưa nước ta từ tình trạng thu nhập thấp trở thành nước có thu nhập trung bình.

Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập đầy đủ với thế giới. Bối cảnh cạnh tranh gay gắt buộc hàng hóa Việt Nam phải bảo đảm chất lượng, doanh nghiệp Việt Nam cần hội tụ thêm nhiều nội lực mạnh mẽ mới có thể cạnh tranh được với các đối tác đến từ các nền kinh tế lớn. Một trong những điều kiện cần có là bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ để có thể ứng phó với mọi tình huống. 

Với sứ mệnh của mình, cộng đồng doanh nghiệp nước ta đang hướng tới hai mục tiêu cần đạt được trong vòng 10 năm tới là: Có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có một số doanh nghiệp, sản phẩm có thương hiệu tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, để vươn lên thành một cộng đồng bền vững, cần phải có môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tạo điều kiện cho doanh nhân phát triển. Cũng giống như bộ đội, bản chất của người doanh nhân phải có tinh thần xung kích, sẵn sàng đối mặt với gian khó. Để có thể chiến thắng trên chiến trường, ngoài sự chiến đấu ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ, cũng cần phải có hậu phương vững chắc và sự hậu thuẫn của toàn xã hội. Với doanh nhân trong thời đại ngày nay, rất cần các yếu tố này. Đó là sự tôn vinh  cần thiết của xã hội đối với đội quân chủ công xây dựng phát triển đất nước, đó là các cơ chế, chính sách kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

ĐỖ PHÚ THỌ