Đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ trong khi nền kinh tế của nước ta chủ yếu vẫn là nền kinh tế nông nghiệp, với đa phần người dân hoạt động trong lĩnh vực này. Hơn nữa, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu, kinh tế đất nước trong những năm qua phát triển ổn định, một phần quan trọng phụ thuộc vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Hằng năm, ngành nông nghiệp Việt Nam đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế khoảng từ 25% đến 30% GDP.
Ảnh minh họa/angiang.gov.vn
Điểm lại vài nét để thấy rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế nước nhà. Những năm gần đây, nhất là sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư và có bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế mà ngành nông nghiệp mang lại thì vẫn cần có những giải pháp căn bản, lâu dài và hiệu quả hơn. Trên thực tế, không ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Nhìn rộng ra các nước phát triển trên thế giới thì phát triển nông nghiệp, đầu tư cho nông nghiệp vẫn là lựa chọn, ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm để nền kinh tế phát triển bền vững. Ở nước ta hiện nay, cũng đã xuất hiện nhiều mô hình về việc liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông nghiệp, doanh nghiệp với nông dân, nông thôn...
Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ khó có thể thu được lợi nhuận cao và nhanh như đầu tư vào các lĩnh vực khác. Bởi phát triển nông nghiệp cần có thời gian và giá trị của các mặt hàng nông sản cũng không thể so sánh được với đầu tư sản xuất các mặt hàng công nghiệp, xây dựng, nhà đất, giao thông... Tuy nhiên, doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp sẽ có ba lợi thế lớn: Thứ nhất, tiềm năng của ngành nông nghiệp ở nước ta là rất lớn; thứ hai, nhân công hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp không cao; và thứ ba là lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp rất dồi dào.
Như vậy, từ vị trí, vai trò của ngành nông nghiệp trong phát triển kinh tế, cùng với những lợi thế sẵn có thì nông nghiệp hiện nay vẫn là lĩnh vực rất đáng để các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư phát triển. Mặt khác, xét về mặt xã hội, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chính là góp phần ổn định an ninh trật tự, bảo đảm an sinh xã hội ở từng địa phương; đồng thời tạo ra công ăn việc làm cho số đông người lao động ở nông thôn hiện nay; hạn chế và từng bước khắc phục tình trạng lao động dồn về các thành phố lớn... Bởi vậy, từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị, nhất là các doanh nghiệp cần thấy rõ lợi thế mà nông nghiệp mang lại để mạnh dạn đầu tư tạo ra những giá trị không chỉ đơn thuần về mặt kinh tế, mà còn góp phần phát triển xã hội; đồng thời phát huy tốt lợi thế, tiềm năng để đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững; thực hiện thắng lợi mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Hiệu quả về sự gắn kết, đầu tư vào nông nghiệp phụ thuộc vào nhận thức của lãnh đạo từng doanh nghiệp, cũng như những cơ chế, chính sách phù hợp của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.
LÊ LONG KHÁNH