Buổi đấu giá lần này có 5 tác phẩm, gồm: 1 chiếc tủ thờ (chất liệu gỗ gụ, niên đại cuối thế kỷ 19) thuộc sở hữu của họa sĩ Lê Thiết Cương; tranh vẽ mang chủ đề “Bên dòng sông đỏ” (chất liệu sơn dầu, sáng tác năm 2016) của họa sĩ Đào Hải Phong; tác phẩm tranh vẽ mang chủ đề “Hạnh phúc” (chất liệu sơn dầu, sáng tác năm 2015) của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ; tranh vẽ mang chủ đề “Tiên nữ vùng cao” (chất liệu acrylic, sơn dầu, sáng tác năm 2014) của họa sĩ Quách Đông Phương; cặp chóe tứ linh (chất liệu gốm, sản xuất năm 2010) của nghệ nhân Phạm Anh Đạo (Bát Tràng-Hà Nội). Giá khởi điểm cho các sản phẩm thấp nhất là 50 triệu đồng và cao nhất là 900 triệu đồng.

Khi biết thông tin về buổi đấu giá này, những người quan tâm đã đặt câu hỏi căn cứ vào đâu để nhà tổ chức đấu giá đưa ra giá khởi điểm cho 5 tác phẩm trên? Khó để xác định giá trị nghệ thuật của cặp chóe tứ linh, cũng như liệu cặp chóe này có xứng với giá khởi điểm khoảng 900 triệu  đến 1 tỷ đồng? Tủ thờ gỗ gụ có giá khởi điểm 65 triệu đồng đã hợp lý chưa? Tranh “Bên dòng sông đỏ” có giá khởi điểm 120 đến 150 triệu đồng, được dân trong nghề cho là được, vì Đào Hải Phong từng có tranh được đấu giá bán 4.000-6.000 USD/tranh/kích cỡ 80x130cm. Hay căn cứ vào đâu để Công ty cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt ấn định giá khởi điểm cho tranh của Hoàng Phượng Vĩ, Quách Đông Phương khoảng 50 triệu đồng, bởi tranh của những họa sĩ này có thể ấn tượng nhưng lại chưa có dấu ấn ở các phiên đấu giá?

Ảnh minh họa. 

Qua đó cho thấy, việc đánh giá đúng chất lượng các tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ… ở Việt Nam là không đơn giản. Chúng ta thiếu một đội ngũ có khả năng giám định và đánh giá đúng “chất”, đúng giá trị tác phẩm nghệ thuật và chủ của tác phẩm nghệ thuật thường ra giá theo cảm tính... 

Tranh Việt Nam hay các tác phẩm nghệ thuật trong nước khi ra nước ngoài hay bị dìm giá. Việc này xuất phát từ giới họa sĩ, điêu khắc, nghệ nhân trong nước chưa biết cách "PR" cho sản phẩm của mình. Thế nên, việc có đơn vị tổ chức bán đấu giá các tác phẩm nghệ thuật theo pháp luật của Nhà nước như Công ty cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt là điều cần khuyến khích, quan tâm. Việc định giá đúng sản phẩm, công sức lao động bỏ ra của nghệ sĩ, nghệ nhân sẽ tạo động lực nâng tầm sáng tác. Không những vậy, việc này còn mở rộng thị trường, tạo mối giao lưu. Nhiều du khách, người chơi tranh nước ngoài đến Việt Nam rất thích mua tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Nhưng thời gian gần đây, họ đã kháo nhau việc tranh “phố Phái” hay bị “chép” và giá thì... loạn! 

Việc đấu giá tranh, các tác phẩm nghệ thuật phù hợp theo quy định và pháp luật tại Việt Nam còn là cơ sở để kéo những nhà sưu tầm trong và ngoài nước đến với những tác phẩm giá trị, có cơ hội tiệm cận đúng giá thị trường. Quan trọng hơn, việc đấu giá tạo ra sân chơi công bằng cho các đối tượng tham dự. Từ đó, dần hoàn thiện việc thẩm định, ra giá, định giá, bảo hiểm tác phẩm… xây dựng niềm tin giữa các bên liên quan đến việc đấu giá.

THU HIỀN