Các cơ quan chức năng đã chỉ ra, hiện tượng sập đổ nhà ở và các công trình khác gây thiệt hại lớn về người và tài sản tựu trung ở mấy nguyên nhân, như: Các công trình có tuổi thọ cao, quá xuống cấp mà không được tu bổ, nâng cấp; tình trạng vi phạm các quy trình về bảo đảm an toàn trong thi công các công trình xây dựng; sự chủ quan của người sử dụng các công trình... và cuối cùng thì mới là do thiên tai. Như vậy có thể thấy việc sập đổ nhà ở, các công trình xây dựng... cơ bản là do yếu tố chủ quan. Vì vậy muốn ngăn chặn thì cũng phải tập trung vào giải quyết các vấn đề mang tính chủ quan.   

 Hiện trường vụ sập nhà số 43 phố Cửa Bắc, Hà Nội.

Để đề phòng sập đổ công trình, hạn chế tối đa những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, trước hết các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương, nhất là những thành phố lớn, đang tồn tại nhiều khu chung cư cũ, xuống cấp nghiêm trọng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… cần phải tổ chức rà soát tổng thể. Khi phát hiện các chung cư đã xuống cấp, có nguy cơ sập đổ thì phải đề xuất ngay biện pháp xử lý. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện có hàng nghìn chung cư, căn hộ cũ. Riêng ở Hà Nội có khoảng 1.100 chung cư cũ, trong đó loại nguy hiểm mức độ C, D cần cải tạo, đập bỏ là 68 chung cư. Còn tại TP Hồ Chí Minh, số lượng này là khoảng 200 chung cư. Như vậy với hàng nghìn hộ dân đang sống tại các chung cư cũ nát nêu trên ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần phải được cảnh báo và có giải pháp di dời trong thời gian ngắn. 

Vẫn biết trong thực tế, việc di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ nát từ trước đến nay luôn gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Lý do chủ yếu là không thống nhất được về vấn đề quyền lợi giữa chủ đầu tư và các chủ hộ. Hà Nội mấy năm trước đã thực hiện thành công việc di dời các hộ dân ở nhà B6 Giảng Võ để xây mới chung cư này. Kinh nghiệm trong công tác di dời này cần được thảo luận và vận dụng đối với các khu chung cư khác. Với đầy đủ các văn bản pháp lý đã ban hành, đã quán triệt tới toàn thể nhân dân, nên chúng ta không thể để đến lúc chung cư cũ nát sập xuống, thiệt hại về người và tài sản rồi thì mới khắc phục hậu quả. Chính vì vậy, chính quyền các cấp, nhất là chính quyền các thành phố lớn cần phải lưu tâm đến vấn đề này theo đúng tinh thần chính phủ vì dân, chính quyền vì dân.  

Còn đối với các chủ đầu tư xây dựng, các chủ hộ có công trình xây dựng thì nhất thiết phải được giám sát kỹ càng về việc bảo đảm an toàn trong quá trình thi công. Lâu nay, các nhân viên làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát xây dựng thường "quên" mất vai trò của mình mà bỏ qua các yếu tố tiềm ẩn mất an toàn trong quá trình thi công. Vụ thi công nhà 41 phố Cửa Bắc là một điển hình. Nhiều người đã nhìn thấy nguy cơ mất an toàn đối với các ngôi nhà liền kề, đã cảnh báo nhưng chủ hộ vẫn phớt lờ, bởi sự cảnh báo đó chưa đủ sức nặng. Nếu như khi đó có biện pháp kiên quyết của cơ quan chức năng thì sự cố đau lòng ấy chưa chắc đã xảy ra. Vì thế vai trò của các thanh tra viên, giám sát viên về lĩnh vực xây dựng cần phải được phát huy với tinh thần tự giác cao độ thì nguy cơ mất an toàn mới có thể được ngăn ngừa.  

Để hạn chế nỗi lo nhà sập thì bao giờ phòng cũng hơn chống. Đi cùng với các biện pháp của các cơ quan chức năng và chính quyền thì tự mỗi người dân cũng phải thấy được trách nhiệm của mình. Các hộ dân cần phải hợp tác chặt chẽ và tạo điều kiện hết mức cho các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ thì mới có thể giải quyết được các chung cư cũ nát và mới tránh được nỗi lo nhà sập.

DUY HỒNG