Quan trọng hơn, sau thanh tra, chất lượng, hiệu quả công việc của từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp luôn có chiều hướng tốt lên, tuân thủ đúng pháp luật hơn. Như vậy nếu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, công tác thanh tra sẽ giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân tránh được sai phạm.
Đó là những kết quả rất tích cực, đúng bản chất của hoạt động thanh tra. Dù vậy, cũng phải thừa nhận trên thực tế, hiện tượng “thanh tra vạch ra... để đấy” không hiếm. Vì sao có hiện tượng đó? Điều này khi lý giải có thể nhìn nhận: Có những cá nhân, tổ chức làm nhiệm vụ thanh tra chưa hoàn thành, chưa làm hết trách nhiệm. Dù chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng khiến hoạt động thanh tra có vụ việc bị tiêu cực, vụ lợi; hoạt động thanh tra bị nghi ngờ, làm giảm tính hiệu quả. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, cần chống tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng. Không ít trường hợp cán bộ thanh tra, đoàn thanh tra chỉ ra sai phạm nhưng lại thông đồng, mặc cả với cá nhân, tổ chức có sai phạm. Như vậy, về mục đích, hiệu quả thanh tra không đạt được. Điều này, khiến dư luận mất lòng tin, bản chất của thanh tra bị biến tướng.
 |
Lực lượng quản lý thị trường lkiểm tra hàng hóa không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa: TTXVN.
|
Bên cạnh hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực trong thanh tra, cũng phải thừa nhận, một số cán bộ, đoàn thanh tra năng lực hạn chế, hoặc làm việc thiếu trách nhiệm mà không chỉ ra, không tìm thấy sai phạm dù cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có sai phạm. Bởi thế, mới có câu chuyện, vẫn sự việc ấy, việc làm ấy, năm nào cũng được thanh tra, kiểm tra nhưng đều kết luận không có sai phạm. Chỉ đến khi sự việc bị phanh phui bởi một lý do nào đó, thì làm lộ ra hàng loạt sai phạm có hệ thống trong thời gian dài. Những vụ việc như vậy không ít.
Mục đích lớn nhất của thanh tra là cảnh báo sai phạm, chỉ ra sai phạm, phát hiện lỗ hổng trong cơ chế chính sách, hệ thống luật pháp để khắc phục, phòng ngừa sai phạm. Muốn làm được điều đó thì quan trọng nhất là cơ chế thực hiện. Đầu tiên phải là cơ chế giám sát, thực thi để phát huy được hiệu quả thanh tra, đồng thời giám sát được những việc làm không đúng của cơ quan thanh tra. Chính cơ chế giám sát này sẽ ngăn ngừa, đẩy lùi được nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động này. Cơ chế giám sát chặt chẽ thì cán bộ thanh tra không thể làm sai và không dám làm sai.
Một yếu tố nữa là hoạt động thanh tra phải được tiến hành theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Sở dĩ cần nhấn mạnh việc này bởi nếu không sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc ban hành kết luận thanh tra, các kiến nghị và các quyết định xử lý kết quả thanh tra phải đúng pháp luật, khách quan, kịp thời, nhưng cũng phải phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi. Việc này vừa bảo đảm tính chính xác, nghiêm minh, vừa đảm bảo tính răn đe, đồng thời cũng là chống hiện tượng “thanh tra vạch ra... để đấy”.
Thanh tra là hoạt động đặc thù, công việc có tính nhạy cảm, bởi thế cần lựa chọn được đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực tốt. Cùng với cơ chế quản lý chặt chẽ, chọn được cán bộ tốt thì công việc sẽ tốt. Biện pháp luân chuyển cán bộ làm việc trong những lĩnh vực được coi là “nhạy cảm” như thanh tra cũng là rất cần thiết. Nói như ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì:“Đã đến lúc phải làm trong sạch đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra, không thể coi đây là mảnh đất màu mỡ để kiếm chác”.
NGUYỄN TUẤN