Cần phải khẳng định rằng, thời gian qua, với nỗ lực của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để kéo giảm TNGT, nước ta đã thu được những kết quả tích cực. Số người chết vì TNGT ở nước ta từ hơn 10.000 người mỗi năm đã giảm xuống còn dưới 9.000 người và đang tiến sát đến mục tiêu xuống dưới 8.000 người. Người dân đã có nhận thức đầy đủ hơn về thiệt hại khôn lường của TNGT. Những quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), kiến thức tham gia giao thông an toàn được phổ biến sâu rộng đến đông đảo người dân. TNGT không còn là chuyện xa xôi mà trở thành mối quan tâm thường nhật của mỗi người, mỗi nhà.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: thoidai.com.vn |
Hạ tầng giao thông của nước ta thời gian qua được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, như mở rộng, nâng cấp, xây dựng mới nhiều tuyến đường, giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn hơn. Các loại hình vận tải cũng được chú trọng phát triển, không chỉ đường bộ mà còn hàng không, đường thủy, đường sắt... mang đến nhiều lựa chọn hơn cho hành khách. Hình thành hệ thống giao thông hiện đại là yếu tố quan trọng hàng đầu để vừa phát triển kinh tế-xã hội đất nước, vừa bảo đảm cho phương tiện lưu thông an toàn. Tuy nhiên, trong thực tế, tốc độ xây dựng hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu xã hội. Vẫn còn những tuyến đường kẹt xe ở thành phố lớn, hay nhiều tuyến đường ở nông thôn, miền núi xuống cấp trầm trọng; không ít đường ngang giao cắt với đường sắt không có rào chắn, tín hiệu cảnh báo... Đầu tư cho hạ tầng giao thông đòi hỏi tính đồng bộ, không chỉ một con đường, một cây cầu có thể giải quyết được, do vậy, cần khơi thông, thu hút đa dạng các nguồn lực cho mục tiêu này. Bên cạnh đó, với mỗi công trình, dự án, yếu tố bảo đảm an toàn khi đưa vào sử dụng, khai thác cần đặt lên hàng đầu.
Chúng ta vẫn thường nói đến ý thức của người tham gia giao thông khi xác định nguyên nhân xảy ra TNGT. Qua nhiều vụ tai nạn thương tâm, có thể nhận thấy, nếu mỗi người đi đường tuân thủ nghiêm quy định pháp luật, nêu cao ý thức tự giác thì hậu quả đáng tiếc đã không xảy ra. Ngay trên các tuyến cao tốc hiện đại, tốc độ lưu thông cao vẫn còn những lái xe ngang nhiên đi ngược chiều, quay đầu xe, lấn làn, thể hiện sự coi thường tính mạng của bản thân và hành khách, người đi đường. Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao ý thức người tham gia giao thông không thể chỉ bằng tuyên truyền, vận động mà phải tăng chế tài xử phạt, thậm chí xử lý hình sự một số hành vi nguy hiểm, như: Chạy quá tốc độ; điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia; nghe điện thoại trong khi lái xe... Những đề xuất này cần được nghiên cứu thấu đáo, áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Cùng với đó, cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT sâu rộng đến mọi người dân bằng những cách làm thiết thực, dễ nghe, dễ hiểu. Năm 2018, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phát động chủ đề năm ATGT cho trẻ em. Nội dung này không chỉ nhắc nhở người lớn bảo đảm an toàn cho con trẻ, mà còn tập trung nhiều giải pháp đưa kiến thức ATGT đến với học sinh. Giáo dục ATGT cho trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước ngay từ giai đoạn đầu đời sẽ giúp các em có hành trang cần thiết khi tham gia giao thông, trở thành hạt nhân tuyên truyền cho các thành viên trong gia đình, hình thành thói quen trong sinh hoạt. Đây là giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài để xây dựng văn hóa giao thông, góp phần mang đến môi trường giao thông văn minh, an toàn.
ĐỖ MẠNH HƯNG