QĐND - Chúng tôi từng đến những làng chài ven biển miền Trung, mật độ dân cư đông đúc và từ đường làng, ngõ xóm đến bờ biển đều ngập rác. Không ít làng nghề làm ăn phát đạt, nhiều gia đình có xưởng lớn, nhà to, ô tô “xịn”…, nhưng mức độ ô nhiễm nước thải, chất thải, khói bụi, tiếng ồn… đã ở mức trầm trọng; nhiều mặt bệnh phát sinh, tuổi thọ trung bình của cư dân làng nghề thấp. Ở nhiều làng quê, không ít gia đình lập trang trại chăn nuôi, xả thải trực tiếp ra khu dân cư; nông dân sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật, gây hại lớn cho sức khỏe và môi trường. Thói quen đốt rơm rạ, rác thải của người dân khiến không ít khu dân cư ngộp thở vì… khói!
Thực trạng trên cho thấy, ô nhiễm môi trường ở nông thôn đã và đang là vấn đề bức xúc, đáng báo động.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) hơn 3 năm qua đạt nhiều kết quả tích cực, bộ mặt NTM ở nhiều địa phương thực sự khởi sắc, văn minh, tuy nhiên tiêu chí về môi trường - một trong 19 tiêu chí xây dựng NTM thì chưa nhiều xã đạt được. Hiện toàn quốc mới có gần 200 xã đạt tiêu chí này; trong số gần 600 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí xây dựng NTM, thì nhiều xã vẫn còn “nợ” tiêu chí về môi trường.
 |
Ảnh minh họa: vietnamplus.vn.
|
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, trước hết do ý thức, thói quen của nhiều người dân xả rác bừa bãi, lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật; nước thải, chất thải sinh hoạt và từ hoạt động sản xuất ít được thu gom, xử lý. Trong xây dựng NTM, nhiều địa phương mới quan tâm đầu tư xây dựng “điện, đường, trường, trạm, chợ…”, phấn đấu tăng nhanh thu nhập cho người dân, mà chưa quan tâm thích đáng đến bảo vệ môi trường, giải quyết ô nhiễm môi trường.
Thực tế cho thấy, môi trường là một trong những tiêu chí khó đạt nhất trong xây dựng NTM, cần có sự quan tâm, đầu tư đúng mức, giải pháp đồng bộ mới có thể giải quyết căn bản và bền vững. Để phong trào xây dựng NTM thành công, trong đó đạt tiêu chí về môi trường, trước hết phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường; thay đổi thói quen sinh hoạt, xả rác thải, lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật của người dân; đẩy mạnh khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, giúp nông dân áp dụng những mô hình canh tác, chăn nuôi mới thân thiện với môi trường.
Trong xây dựng NTM, chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng có vai trò hết sức quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường, trước hết từ khâu quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại dân cư, các khu chức năng trên địa bàn từng xã. Cần có các chính sách khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn, gắn với xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình về bảo vệ môi trường, như HTX vệ sinh môi trường, đội tự quản vệ sinh môi trường, quy ước bảo vệ môi trường thôn, bản…
Môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cuộc sống. Giải quyết ô nhiễm môi trường nông thôn đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương… phải triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp, huy động sự tham gia tích cực của người dân, của cả cộng đồng, mới bảo đảm đạt được tiêu chí và tiến độ đạt chuẩn về môi trường trong xây dựng NTM, để diện mạo nông thôn nước ta ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh.
PHẠM QUÂN