Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến tình hình giao thông dịp Tết diễn biến phức tạp và khó kiểm soát là tình trạng sử dụng rượu, bia của người tham gia giao thông. Tập quán sử dụng nhiều rượu, bia cộng với tâm lý “Tết mà” của người dân, đặc biệt là thanh niên địa bàn nông thôn, khiến người điều khiển phương tiện dễ vi phạm các quy định về an toàn giao thông (ATGT) như: Vi phạm nồng độ cồn; đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm; đi quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định...
Vi phạm về giao thông phổ biến trong những ngày Tết chứng tỏ ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, không có ý thức tự bảo vệ mình trước hiểm họa TNGT. Bên cạnh đó, lực lượng tuần tra, kiểm soát ATGT trong những ngày Tết cũng thường ngại xử lý hoặc xử lý thiếu kiên quyết, dẫn đến người dân vi phạm pháp luật về giao thông mà không sợ bị phạt. Chính vì thế, số nạn nhân TNGT trong dịp Tết thường tăng.
 |
Ảnh minh họa: baomoi.com. |
Kể từ ngày 1-1-2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua năm 2019 chính thức có hiệu lực. Đây là lần đầu tiên nước ta có một luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia nhằm điều chỉnh thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân. Theo đó, một loạt các hành vi bị nghiêm cấm, như: Cấm người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; cấm bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi… Và đặc biệt, cấm cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ. Ngoài ra, cũng theo quy định của luật này, không được uống rượu, bia ở nơi công cộng, bệnh viện, trường học, nơi vui chơi của trẻ em; không được mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ như các nhà hàng, quán nhậu… trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường học.
Để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nhanh chóng đi vào cuộc sống cũng như bảo đảm ATGT trong dịp Tết Nguyên đán, trước hết, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai luật nhằm nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trong việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Các đơn vị, địa phương huy động tối đa lực lượng cảnh sát giao thông đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý triệt để các hành vi vi phạm ATGT. Lực lượng chức năng cần loại bỏ tâm lý nể nang, xuê xoa, phải xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm liên quan đến rượu, bia, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện cơ giới. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm không chỉ tập trung ở thành phố, trên quốc lộ mà cả khu vực nông thôn. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, người uy tín trong cộng đồng dân cư và gia đình phải phát huy vai trò gương mẫu chấp hành nghiêm các quy định trong việc sử dụng rượu, bia, chấp hành các quy định bảo đảm ATGT... Có như vậy, mới giảm được TNGT, nhất là trong dịp Tết đến, xuân về.
LÊ DUY HỒNG