Dù nhìn nhận ở lăng kính nào, tôi cũng không đồng tình với cách nghĩ của một số người và những lý do họ đưa ra để so sánh, đánh giá đồng chí cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu ấy. Suy cho cùng, cách nghĩ này là một “biến thể” của tư duy “một người làm quan, cả họ được nhờ” vốn đã “ăn sâu bám rễ” vào đời sống người dân với quan điểm tiêu cực: Anh sinh ra và lớn lên ở đâu thì sau này, nếu trở thành cán bộ sẽ phải quan tâm, ưu ái đến gia đình, dòng họ, làng, xã mình. Cán bộ cấp càng cao thì “trách nhiệm” này càng lớn để gia đình, dòng họ, làng xóm được “nở mày nở mặt”.

Chúng ta vẫn luôn lên án, đấu tranh với những cán bộ có biểu hiện “quan cách mạng”, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vun vén cho gia đình, dòng họ, lợi ích cục bộ địa phương. Thế nhưng, khi trong gia đình, dòng họ, làng, xã có người làm cán bộ thì chúng ta lại luôn đòi hỏi họ phải quan tâm, cất nhắc, sắp xếp việc làm cho người thân quen; ưu ái, tạo điều kiện giúp quê hương phát triển, bất chấp thực tế. Người nào không đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi đó thì bị quy là “quan cách mạng”, xa dân, thậm chí vô ơn.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn. 

Thực tế cho thấy, không ít trường hợp cán bộ thiếu bản lĩnh đã gục ngã trước sức ép trên dẫn đến vi phạm nguyên tắc, quy định và có các quyết định thiếu đúng đắn. Thời gian qua, đã có nhiều vụ việc nâng đỡ, bổ nhiệm cán bộ là người thân quen không đúng quy định, quy trình về công tác cán bộ; bổ nhiệm cán bộ không đủ các tiêu chí; tìm cách lách các quy định để bổ nhiệm người thân, người "cánh hẩu"... khiến dư luận bức xúc. Kiểu suy nghĩ "cuốc giật vào lòng" khiến không ít người có chức vụ, quyền hạn đã ra các quyết định, như: Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo các công trình, phát triển hạ tầng, khu/cụm công nghiệp... cho quê hương dù chưa cần thiết, không phù hợp thực tế, điều kiện, tiềm năng. Không ít bài học về kiểu đầu tư không phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương dẫn đến các dự án này không phát huy hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đầu tư từ ngân sách, làm mất cơ hội phát triển của địa phương khác.

Câu chuyện này tuy không mới, song nó vẫn tồn tại âm ỉ trong nhiều gia đình, dòng họ, địa phương và tạo nên sức ép vô hình đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đất nước sẽ ra sao nếu cán bộ nào cũng chỉ chăm chăm quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển làng, xã, quê hương nơi mình sinh ra, lớn lên? Chúng ta phê phán cán bộ, đảng viên có biểu hiện trục lợi, hành dân nhưng cũng phải phê bình những người "hành quan" với tư tưởng, suy nghĩ "một người làm quan, cả họ được nhờ".

Vì thế, để vượt qua được sức ép này, trước hết đòi hỏi mỗi cán bộ phải luôn giữ vững bản lĩnh, nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, “chí công vô tư”, đặt việc công lên trên, lên trước việc tư; phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, nhân dân và của Đảng như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn, nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên. Càng cán bộ cấp cao thì càng cần xóa bỏ “tư duy làng, xã” để quan tâm, chăm lo phát triển chung cho người dân, địa phương, lĩnh vực mình công tác, quản lý. Cùng với đó, chính mỗi người thân trong gia đình, dòng họ, làng xóm của cán bộ cũng phải thay đổi tư duy, cách nghĩ, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường trong sạch, lành mạnh để cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp cách mạng chung của Đảng. Có như thế, một người làm quan thì trăm họ sẽ được nhờ.

NGUYỄN ĐỨC TUẤN