leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: zing.vn 
Cùng với cái nhịp hối hả chuẩn bị cho ngày Tết, nhiều địa phương cũng đang khẩn trương lo cho những ngày vui sau Tết, bằng việc xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch quản lý, tổ chức lễ hội năm 2017.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội trong một năm, riêng Hà Nội có khoảng 1.000 lễ hội lớn, nhỏ sau Tết Nguyên đán. Có thể nói, từ khi khởi thủy, phần lớn các lễ hội đã mang trong đó những giá trị hết sức tốt đẹp. Đó là nơi gìn giữ, phát huy các giá trị như cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng, hướng về cội nguồn, cân bằng đời sống tâm linh, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, bảo tồn và trao truyền văn hóa… Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, nhiều lễ hội đang bị các đối tượng làm biến tướng, trở thành nơi “buôn thần, bán thánh”; mất an ninh, trật tự, mất vệ sinh môi trường; chèo kéo, chặt chém du khách; hành nghề bói toán, mê tín dị đoan… Những hiện tượng đó đã dần làm mất đi những giá trị tốt đẹp vốn có của lễ hội.

Để các lễ hội Xuân Đinh Dậu 2017 diễn ra an toàn, văn minh, tiết kiệm, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội vừa có văn bản về thực hiện công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2017. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, chỉ đạo quản lý, tổ chức lễ hội đúng quy định; xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, ép giá, đeo bám khách du lịch; bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ; chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ, nạn bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc dưới mọi hình thức. Cùng với đó, các địa phương có lễ hội cần sắp xếp lại dịch vụ hàng quán; không được kinh doanh ăn uống trong khu vực I của di tích; bảo đảm vệ sinh môi trường, có chế tài xử phạt hành vi xả rác tại các lễ hội…

Có thể nói, việc làm của UBND TP Hà Nội là cần thiết, nhằm tiếp tục chấn chỉnh những hoạt động “phi lễ hội”. Tuy nhiên, điều cần thiết và quan trọng không kém là các lực lượng tham gia chấn chỉnh, nhất là lực lượng tại chỗ ở các địa phương có lễ hội cần hoạt động tích cực, trách nhiệm, hiệu quả, tránh cầm chừng, lấy lệ; tránh bị ảnh hưởng vì “không khí Tết”; tránh dung túng vì nể nang kiểu “người làng người nước”.

Nhìn từ góc độ khác, có thể thấy sự “xấu xí” của một số lễ hội do chính những du khách gây nên, bởi có “cầu” ắt sẽ có “cung”. Nếu du khách không ham mê “đen đỏ”, không tin chuyện bói toán, hẳn các “sới bạc”, các điểm tổ chức hoạt động mê tín dị đoan sẽ không thể “vận hành”. Nếu du khách không đốt vàng mã với khối lượng “khổng lồ”, không nhét tiền vào bất cứ chỗ nào có thể-thậm chí là nhét vào tay tượng phật- hẳn sẽ không còn những hình ảnh phản cảm trong lễ hội… Vậy nên, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục kết hợp với nhắc nhở, chấn chỉnh thường xuyên để nâng cao nhận thức, hướng du khách có những hành vi đúng đắn, chuẩn mực tại mỗi lễ hội là việc làm hết sức cần thiết. Một biện pháp quan trọng khác là cần xử lý nghiêm khắc, triệt để những cá nhân có hành vi không đúng chuẩn mực, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật tại các lễ hội. Chỉ khi nào các biện pháp được triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, thì mới hy vọng các lễ hội giữ được những giá trị tốt đẹp vốn có.

SÔNG CẦU